Nam Ròm




Hình xưa VNCH
Tin tức đó đây
Sách xưa thời VNCH
Hình vui Ảnh đẹp
Thơ vui, chuyện tiếu mẹo vặt linh tinh ....

Thứ Bảy, 16 tháng 2, 2013

Việt Nam với những cái tên bình dị về Núi & Đèo - Nguyễn Ngọc Chính

 Bài này của anh Chính có chia ra thành 4 phần .Ròm đem về gom lại thành 1 và thử tạo ra một cái PDF file .

 

https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEgF2pTeKtya_KhsvWcwcjYxECBunhIJh-ZRHXUyo15rUs-IeqLEKixLDjBVf2r5hhC7Mu08U_1quzdY9uLTNH3DvT546toX3gEpBgiajBJUb00PSr1KWGk_0qsi7rKTHRSj8i2W50GEa0c/s1210/11.jpg

______________

 Những cái tên bình dị về Núi & Đèo 

Đi từ đồng bằng lên cao nguyên bằng đường bộ chúng ta sẽ phải qua những đoạn đường đèo xuyên các rặng núi. Việt Nam có khoảng hơn 30 đường đèo lớn nhỏ cũng như dài ngắn. Trong phạm vi bài viết này chúng tôi chỉ đề cập đến những cái tên bình dị nhưng cũng kỳ lạ của núi và đèo mà tôi đã từng nghe đến hoặc có dịp đi qua trong những chuyến cross-country xuyên Việt vào cuối thập niên 90.
Đối với tôi, có được những chuyến đi xuyên Việt cũng là một duyên may. Chuyện rất dài dòng nhưng kể vắn tắt lại là khi còn học trên Ban Mê Thuột tôi có một người thầy dậy Anh văn, ông Bùi Dương Chi, con của nhà văn Thụy An mà tôi vẫn thường nói đến trong Hồi ức một đời người [1]. Thầy Chi đi du học Hoa Kỳ từ năm 1974, kịp đến biến cố 1975, thầy ở lại luôn trên đất Mỹ.
Tình thầy trò vẫn được duy trì trong những năm sau đó khi ông dẫn các đoàn sinh viên Mỹ đến Việt Nam theo chương trình IST (International Studies Program) tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Sài Gòn. Mỗi khóa học kéo dài 3 tháng và cuối khóa sinh viên có 15 ngày đi từ Sài Gòn ra Hà Nội bằng đường bộ. Trong cả 2 học kỳ liên tục, tôi theo chân đoàn đi khắp các vùng đất nước [2].
Khởi đầu chuyến cross-country nào cũng bắt đầu từ Sài Gòn lên Đà Lạt, từ quốc lộ 1 rẽ trái vào quốc lộ 20 tại ngã ba Dầu Dây. Quốc lộ 20 là trục đường bộ duy nhất từ Sài Gòn lên Đà Lạt, dài 233 km, nối tỉnh Đồng Nai với Lâm Đồng chính thức được xây dựng vào năm 1973. Quốc lộ 20 đi qua nhiều rừng cao su, rừng nhiệt đới, những vườn cây công nghiệp, những đồi trà, cà phê bạt ngàn và kết thúc với rừng thông.
Sau khi vượt sông La Ngà, nơi có thủy điện Trị An và những căn nhà nổi trên sông, chúng tôi tiến vào địa phận Madagui, một cái tên rất đặc biệt của người Mạ, tại đây còn có con sông nhỏ tên Gui. Từ ngã ba Madagui nếu rẽ trái sẽ đến Ban Mê Thuột, còn rẽ phải lên cao nguyên Lâm Viên, tên xưa gọi là Langbiang.
Miền đồng bằng Madagui được xem như cánh cửa đi vào cao nguyên nên phải vượt đèo đầu tiên mang tên Đèo Chuối, một cái tên nghe rất bình dân. Đường đèo rộng rãi nên ngồi trên xe hoàn toàn không có cảm giác vượt đèo. Tôi còn nhớ ngày xưa còn bé mỗi lần về Sài Gòn bằng xe đò nhỏ Peugoet mang nhãn hiệu Minh Trung mỗi khi qua đây nhìn chỗ nào cũng thấy chuối. Ngày nay chuối đã được thay thế bằng những căn nhà gỗ của những người tứ xứ nhưng cái tên dân giã Đèo Chuối đã đi vào lịch sử những địa danh kỳ lạ của Việt Nam.
Đèo Chuối
Qua Đèo Chuối, chúng tôi bắt đầu tiến vào địa phận của ngọn đèo dài khoảng 10 km, nổi tiếng hiểm trở và quanh co trên đường lên Đà Lạt. Đó là Đèo Bảo Lộc, xưa gọi là đèo Blao. Khoảng giữa đèo có chỗ cho xe cộ tạm dừng trên một bãi đất trống khá rộng. Tại đây, người ta dựng tượng Phật Bà Quan Âm, tượng Đức Mẹ Maria và Miếu Ba Cô để tưởng nhớ những nạn nhân đã bỏ mình khi vượt đèo.
Trạm nghỉ chân giữ Đèo Bảo Lộc
Đèo Blao là một con đường hẹp, ngoằn nghoèo, nhiều khúc cua gắt nên thường xảy ra tai nạn. Cánh lái xe đò thường xuyên đi trên đèo có nhiều giai thoại về Miếu Ba Cô. Họ kể, trong những chuyến xe đêm thường thấy có ánh đèn từ ngôi miếu hoang. Thỉnh thoảng còn có tiếng khóc trên đó vọng xuống.
Có người còn quả quyết rằng chính họ đã từng nhìn thấy ở đoạn đèo gần ngôi miếu thỉnh thoảng xuất hiện ba bóng con gái mặc toàn đồ trắng. Họ đứng ủ rũ bên đường gần bờ vực. Có khi lại thấy họ đứng giữa đường như chờ đón xe lên xuống. Nhiều tài xế nói rằng nếu lái xe qua đó mà không thành tâm khấn vái thì rất dễ hoa mắt, xe có thể rơi xuống vực.
Miếu Ba Cô là một câu chuyện tình dang dở, ngang trái của 3 cô gái được các nhà văn thêu dệt rất lâm ly, bi đát. Người thứ nhất là cô Thiên Hương, được gia đình tại Sài Gòn gửi lên Đà Lạt học nội trú trong một trường dòng; cô thứ hai, Vân Hạnh, con một chủ đồn điền trên Đà Lạt, và cô thứ ba, Thu Hà, xuất thân từ một gia đình nghèo khó.
Định mệnh đã đưa đẩy 3 người con gái thất tình gặp nhau và quyết định trốn khỏi Đà Lạt  nhưng một tai nạn thảm khốc đã xảy ra trên Đèo Blao. Người ta dựng Miếu Ba Cô từ đó để thành tâm tưởng niệm ba cô gái chết trẻ và cũng để cầu xin một cuộc hành trình an toàn trên Đèo Blao.
Đường trên Đèo Blao, một bên là vách đá, một bên là vực sâu
Trước khi vào Đà Lạt phải qua một đoạn đường chừng hơn 10 km đường dốc quanh co nhưng tương đối dễ đi hơn đèo Blao. Đó là Đèo Prenn 1, nơi có thác Prenn, một thắng cảnh của Đà Lạt với những cánh rừng thông đặc trưng của thành phố sương mù.
Đèo Prenn 2, hay Đèo Mimosa, là đoạn đường đèo cũ có nhiều điểm dừng chân để ngoạn cảnh. Đèo Mimosa ít có những đoạn cua hẹp và khúc khuỷu, đặc biệt, với thiết kế vòng ôm, lượn lờ băng qua những triền đồi, du khách có thể phóng tầm mắt xuống từng lòng thung bao la lác đác những mái nhà ẩn hiện trong sương mù hay mờ khói lam chiều.
Đèo Prenn 1 là ranh giới của Thành phố Đà Lạt
Đèo Prenn 2 hay còn gọi là Đèo Mimosa
Trong khi Tây Ninh có núi Bà Đen (còn được gọi là Núi Một), Bình Phước có núi Bà Rá thì Đà Lạt có Núi Bà và Núi Ông họp thành đỉnh Langbiang, cách thành phố khoảng 12 km. Theo truyền thuyết của người K’ Ho (Kô Hô), Langbiang là tên ghép của chàng K’lang và nàng H’biang.
Huyền thoại chàng K’lang và nàng H'biang
Núi Ông và Núi Bà thường xuất hiện trên đường chân trời Đà Lạt vào những ngày trời trong, không sương mù, trông tựa như bộ ngực của người phụ nữ. Có điều bộ ngực đó không đều đặn, bên cao, bên thấp. Tôi đã leo đỉnh Langbiang phía ngọn núi thấp, có cao độ 1.950 m. Tại đây có đường dẫn lên tới đỉnh, hợp với sức người đã lớn tuổi.
Leo đỉnh Langbiang (1999 – sau lưng là đỉnh 2.167m)
Muốn sang ngọn núi cao hơn (2.169 m) phải mất khoảng 2 giờ băng rừng già nguyên sinh với rất nhiều dốc cao dựng đứng và những gốc cây cổ thụ nằm vắt ngang đường. Còn phải mất thêm khoảng 2 giờ nữa để leo những vách đá cheo leo nới lên đến đỉnh.
Đám sinh viên Mỹ cứ đi băng băng trên con đường dốc dẫn lên đỉnh nhờ sức trẻ, còn thầy Chi và tôi vừa đi vừa thở, được cái khí hậu Đà Lạt mát dịu khi càng lên cao nên bớt đi phần nào mệt nhọc. Lên đến đỉnh là giây phút thần tiên của người đã chinh phục độ cao. Dưới chân xuất hiện buôn làng của người thượng nằm nhỏ bé, bất động như trong một bức tranh.
Ngày xưa, khóa sinh trường Võ Bị Quốc gia VNCH phải chinh phục đỉnh Langbiang mới được gắn Alpha để chính thức trở thành sinh viên sĩ quan hiện dịch. Buổi lễ gắn Alpha được thực hiện dưới ánh đuốc vào ban đêm nên là một kỷ niệm khó quên trong đời những chàng trai lựa chọn binh nghiệp như một hướng đi “Đa năng, Đa hiệu” cho cuộc đời mình.
Núi Bà & Núi Ông
Đà Lạt còn có Núi Voi, cách thành phố chừng 15 km về hướng nam. Rặng núi mang hình dáng của hai chú voi khổng lồ nằm ngay cửa ngõ phía nam thành phố. Huyền thoại kể rằng, rặng núi Rowas nay gọi là Núi Voi, vốn là hiện thân của hai con voi ở vùng La Ngư Thượng đi dự lễ cưới của chàng K’lang và nàng H’biang. Khi đến đồi Cà Đắng, nay gọi là đèo Prenn, thì nghe tin chàng Lang và nàng Biang qua đời.
Quá đau buồn nên cả hai không còn đủ sức để vượt qua dốc Cà Đắng, ngã quỵ giữa đường mà chết. Xác voi biến thành hai ngọn núi mà ngày nay, từ quốc lộ 20 qua địa phận Định An (Đức Trọng), du khách có thể nhìn thấy được nguyên hình dáng của hai con voi với đôi chân trước phủ phục hướng về phía Prenn.
Núi Voi
Ngày xưa, người ta dùng tên Dran, còn gọi là Cầu Đất, là thị trấn huyện lỵ Đơn Dương của Đà Lạt. Từ Đơn Dưong có hai hướng lên thành phố Đà Lạt: hướng đi qua ngã ba Phi Nôm, qua đèo Prenn và hướng qua đèo Dran, qua Cầu Đất. Đây là nơi nhà thám hiểm - bác sĩ A. Yersin - người khám phá ra Đà Lạt đã từng trồng thử nghiệm cây canh-ky-na để chế biến thuốc trị bệnh sốt rét. 
Vượt qua đèo Dran là con đường chính để đến Đà Lạt từ hướng Ninh Thuận, sau này người ta khai thông con đường qua Thạnh Mỹ - ngã ba Phi Nôm lên đèo Prenn đến Đà Lạt, làm cho con đường đèo Dran trở nên hoang phế. Nhưng chính sự hoang phế này tạo nên một sức hút khác, sức hút của sự hoang sơ của núi đồi Langbian. Bên cạnh đó là một con đường sắt răng cưa được xây dựng năm 1917 nhưng sau năm 1975 tuyến đường sắt này đã bị gỡ như sắt vụn khi đường xe lửa Đà Lạt – Tháp Chàm ngưng hoạt động.
Đường sắt và đường bộ trên đèo Dran ngày xưa
Đèo Dran dài khoảng 10 km, cực kỳ hiểm trở với những khúc cua bất thường trên triền dốc đứng. Du khách có thể “sờ” được mây, “cảm” được sương mù, bởi mây và sương luôn bất chợt hiện ra lúc ở giữa lưng chừng đèo, lúc trên đỉnh đèo. Từ vùng biển lên cao nguyên du khách đang tiến dần vào xứ sở ôn đới, nhiệt độ thay đổi rất nhanh chóng, chẳng bao lâu có cảm giác chìm trong khí hậu lạnh mát phảng phất mùi rừng thông Đà Lạt.
Đèo Dran
Trên đường từ Đà Lạt xuống Phan Rang, chúng tôi dừng lại trên đèo Sông Pha (Kronfa). Nhiều người lầm tưởng đèo Sông Pha cũng chính là đèo Ngoạn Mục. Thực ra thì từ Ninh Thuận lên Lâm Đồng sẽ qua đèo Sông Pha, đến ngã ba Đơn Dương, nếu rẽ phải mới đi qua đèo Ngoạn Mục, người Pháp gọi là Belle Vue. Ở ngã ba Đơn Dương, trước năm 1975 có cắm bảng chỉ đường, hướng đi tới đèo Ngoạn Mục.
Sau khi Yersin phát hiện ra Đà Lạt năm 1893, năm 1897 trong kế hoạch xây dựng thành phố này viên toàn quyền Doumer đã phái một nhóm nghiên cứu thực địa nhằm lập bản đồ mở tuyến đường từ Phan Rang lên Đà Lạt. Dưới sự chỉ huy của đại uý Thouars, nhóm người này đã vẽ được lộ trình dài 122 km từ Phan Rang băng qua Xóm Gòn (tên gọi của thung lũng Ninh Sơn lúc bấy giờ) để lên Dran (Đơn Dương), thung lũng Đa Nhim, Klong, Prenn rồi đến Đà Lạt.
Gần một thế kỷ trôi qua, con đường đèo được mở rộng hơn qua 2 lần sửa chữa lớn của Pháp – Nhật, cái tên Ngoạn Mục đực coi như đồng nghĩa với Sông Pha. Ngày nay có Khu Bảo tồn Thiên nhiên Đèo Ngoạn Mục được thành lập vào năm 1986. Trong số các đèo tại Việt Nam, Ngoạn Mục là một trong những con đường đèo có tên thi vị nhất.
Đèo Ngoạn Mục dài 18,5 km, có độ dốc trung bình trên 9 độ, độ dốc lớn nhất ở các tỉnh phía Nam. Nằm trên quốc lộ từ thị xã Phan Rang đi Đà Lạt, đèo có độ cao trong khoảng 200 m ở điểm thấp nhất và lên tới 980 m ở đỉnh đèo. Trên đèo Ngoạn Mục có 4 đoạn cua khuỷu tay rất gấp, con đường uốn lượn mềm mại qua những đồi núi, sườn đồi lớn nhỏ khác nhau tạo hình vòng sóng. Nếu có dịp dừng chân trên đỉnh nhìn xuống, dễ thấy vẻ quyến rũ lãng mạn lẫn hùng vĩ của nó.
Khúc cua gắt trên Đèo Ngoạn Mục
Từ trên đỉnh đèo nhìn xuống thấy bờ vực dốc đứng, sâu thẳm, lấp ló qua những rặng thông là con đường ngoằn ngoèo khúc khuỷu với những chiếc xe trông tực như món đồ chơi chậm chạp đang bò lên hay xuôi xuống. Xa hơn là đồng bằng Phan Rang với dòng sông Cái uốn lượn. Hai dãy núi cao ôm bọc lấy thung lũng Phan Rang chạy ra tận biển. Phan Rang là thị trấn nổi tiếng về nóng và nắng nên người ta thường nói “nóng như phang, nắng như rang”!
Bên đèo Ngoạn Mục là những suối thác cắt ngang vách núi, những dãy núi đồi với hệ thực vật khá phong phú đa dạng, đặc trưng. Dưới chân đèo là hai ống thủy áp bằng hợp kim vắt ngang đường của thủy điện Đa Nhim, một công trình của viện trợ của người Nhật cho chính phủ VNCH, được xây dựng từ tháng 4/1961 và hoàn tất vào tháng 1/1964.
Hai ống thủy áp của thủy điện Đa Nhim nằm vắt ngang chân đèo Ngoạn Mục
Nằm trong khu vực chuyển tiếp giữa vùng đồng bằng ven biển nam Trung Bộ và cao nguyên Đà Lạt, Đèo Ngoạn Mục mang trong mình nhiều cảnh quan và khí hậu khác nhau. Nếu đi từ dưới lên, sẽ dễ dàng nhận ra sự giảm dần nhiệt độ qua những thay đổi về hệ sinh thái. Sự xuất hiện dần của thông xanh, hoa dã quỳ vàng rực hai bên đường tạo nên một ấn tượng về một tiểu vùng khí hậu lạnh hơn và một vùng phong thổ khác. Phân định tại Eo Gió với một khúc cua ngoặt khuỷu tay, khí hậu đột ngột thay đổi từ cái nắng gay gắt của Ninh Sơn chuyển sang những đợt gió cao nguyên lạnh buốt.
Đường đèo Ngoạn Mục

Chú thích:



[1] Đọc thêm về nhà văn Thụy An:



  • Nhân văn - Giai phẩm: Nhà văn Thụy An




[2] Đọc thêm về chương trình IST (International Studies Program):



  • Chuyện một người Mỹ thích mắm tôm


Đến Nha Trang, đoàn sinh viên Mỹ khám phá một điểm du lịch sinh thái mới trên Hòn Hèo, chính thức đón khách du lịch từ cuối năm 1998. Hòn Hèo là núi đảo cao nhất Nha Trang (873 m) bên cạnh các Hòn Phủ Mái Nhà, Hòn Răng Cưa, Hòn Tiên Du… trong dãy Phước Hà Sơn, có 3 mặt giáp biển, một mặt giáp xã Ninh Phú.
Kho tàng ngôn ngữ Việt Nam quả là phong phú nhưng cũng không kém phần dí dỏm. Riêng chỉ ở Nha Trang cũng đã có những cái tên như Hòn Tre, Hòn Vợ, Hòn Chồng, Hòn Mun, Hòn Tằm, Hòn Đỏ… rồi thì ở Phan Thiết có Hòn Rơm; Phú Yên có Hòn Rùa; Rạch Giá có Hòn Sơn; Kiên Giang có Hòn Phụ Tử, Hòn Nghệ; Cà Mau có Hòn Khoai; Hải Phòng có Hòn Dâu; Thanh Hóa có Hòn Ne… và ở tít ngoài Biển Đông có Hòn Ngư, Hòn Tro…
Cách Nha Trang 37 km có Hòn Bà là một khu rừng nguyên sinh, độ cao 1.574m, có khí hậu của vùng ôn đới thuộc huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Tại đây, năm 1915, bác sĩ Yersin đã dựng nhà để ở và trồng cây canh-ki-na là cây được dùng làm nguyên liệu chế ra thuốc ký ninh trị bệnh sốt rét. Hòn Bà hiện là khu du lịch với nhà nghỉ, rừng hoa và hệ thống cáp treo.
Theo ‘chúa đảo’ Đinh Ngọc Thi, người phụ trách Hòn Hèo, cái tên ngộ nghĩnh của núi đảo này xuất phát từ loại dây mây được khai thác làm gậy (hèo), nột lọai ba-tong người già hay dùng để di chuyển. Cũng theo lời anh, ‘đảo danh’ Hòn Hèo đã đi vào văn chương dân gian. Anh dẫn chứng:
Bao giờ Hòn Đỏ mang tơi
Hòn Hèo đội mũ thì trời sắp mưa
Muối Hòn Khói, ruộng Đồng Hương
Hòn Hèo mây bạc, nước nguồn Cửa Bô
Rồi lại có cả bài hát:
Hòn Hèo đội mũ
Mây phủ Đá Bia
Cóc nhái kêu lia
Trời mưa như đổ.
Anh chê em nghèo khổ
Kiếm chỗ sang giàu
Rồi mai sau anh sụp
Như cái đầu cầu chợ Dinh.
Để thưởng thức cảnh đẹp của suối Hoa Lan trên Hòn Hèo, khách phải đi đường bộ qua đèo Rù Rì đến cầu cảng Đá Chồng, sau đó mất khoảng 40 phút đi tàu ra đảo rồi leo 374 bậc thang để lần lượt ghé 3 tầng thác nước ở độ cao 778 mét.
Sinh viên Mỹ tại Suối Hoa Lan trên Hòn Hèo
Đèo Rù Rì, lại một cái tên rất dân giã, là đường đèo cuối cùng tại miền Nam, nối liền Nha Trang với Ninh Hòa, nơi có món nem nổi tiếng. Người ta giải thích tại đoạn đường đèo dài 2 km này trước kia có nhiều cây “rù rì” nên có tên như vậy. Người khác lại cho rằng rù rì là tên một loài chim có tiếng kêu thảm thiết và sau mỗi lần kêu đều có tiếng “rù” thật dài trong cổ họng.
Tôi lại nghĩ khác, có phần tiếu lâm: đây là đoạn đường đèo ngắn nhưng rất nguy hiểm nên khi vượt đèo người ta chỉ nói chuyện “rù rì” chứ không còn giữ giọng điệu bình thường! Bằng chứng: xung quanh đèo Rù Rì có bãi tha ma, trên đỉnh đèo còn có tượng Đức Mẹ Maria giơ tay ban phước cho vùng đất có ngọn đèo nguy hiểm này.
Đèo Rù Rì
Có một bãi rác lớn trên đèo Rù Rì lẫn lộn với bãi tha ma. Chúng tôi đã gặp những con người không phải chỉ sống với rác một giờ, một ngày mà họ đã trải qua nhiều năm, nhiều tháng, thậm chí cả một đời phải sống chung với rác. Họ cho biết, mỗi ngày có từ 50 đến 60 xe ép rác, chuyển từ 300 đến 400 tấn rác về đây.
Những người sống bên rác gắn bó với cái cào có hai chấu, một chiếc bao trên vai, một ngọn đèn soi trên trán và một đôi ủng dưới chân. Ngày ngày, dù nắng mưa, dù gió rét, cứ khoảng 5 giờ chiều họ túa ra bãi rác và đợi những chiếc xe chở rác về. Họ lăn lộn với rác đến sáng để bươi móc, săn nhặt những chiếc bao nilông, những mảnh nhựa vỡ, chút dây kẽm, dây điện và hàng trăm thứ linh tinh không tên khác.
Bãi rác trên đèo Rù Rì
Ngoài Rù Rì, nếu đúng là ngọn đèo mang tên một loài chim có tiếng kêu rù rì, còn có một ngọn đèo lại mang tên một loài chim thuộc loại “vua của các loài chim”: Phượng Hoàng. Đèo Phượng Hoàng, còn gọi là Đèo M’Drak, có chiều dài 12 km, nằm trên quốc lộ 26, đoạn giáp ranh giữa tỉnh Khánh Hòa với Đắc Lắc. Thủ phủ của Đắc Lắc là thị trấn Ban Mê Thuột, nơi tôi đã có một thời gian sinh sống thời niên thiếu.
Tháng 3/1975 đã xảy ra một cuộc đụng độ lớn giữa quân đội hai miền Nam-Bắc trên đèo Phượng Hoàng. Lính nhảy dù của VNCH đã được thả xuống đây trong nỗ lực tái chiếm Ban Mê Thuột và đèo Phượng Hoàng cũng là đường rút lui đầy máu và nước mắt của quân và dân từ cao nguyên đổ xuống miền duyên hải Nha Trang trước khi Sài Gòn sụp đổ.
Có người nói ngọn đèo Phượng Hoàng chỉ là một cái tên đã được thi vị hóa. Thực tế chẳng thấy bóng chim phượng hoàng mà chỉ toàn loài quạ đen. Trên đỉnh đèo, quạ kêu inh ỏi cộng thêm với những chiếc am nhỏ để tưởng niệm những người đã mất khiến cho đèo Phượng Hoàng mang một bầu không khí ảm đạm, chết chóc khi nghĩ đến dòng người di tản đổ đèo năm 1975. 
Đèo Phượng Hoàng là ranh giới giứa Khánh Hòa & Đắc Lắc
Phong cảnh và những dấu tích lịch sử quan trọng khiến cho đèo Phượng Hoàng có một sức hút đặc biệt đối với du khách khi có dịp ngược đồng bằng lên với vùng cao nguyên đất đỏ. Đó là chưa kể những người đến đây vì những kỷ niệm một phần đời có liên quan đến xứ “bụi mù trời, buồn muôn thuở” Ban Mê Thuột và Nha Trang “miền quê hương cát trắng”.
Tôi biết đến Nha Trang vào những năm cuối cùng của thời trung học. Học xong Đệ Nhị tại trường Trung học Ban Mê Thuột tôi phải xuống Nha Trang để thi Tú tài 1 vì BMT hồi đó chưa có hội đồng thi. Xong Đệ Nhị, tôi lại vòng về Đà Lạt để tiếp tục học năm Đệ Nhất tại trường Trần Hưng Đạo. Có lẽ cuộc đời học sinh của tôi có sao “thiên di” chiếu mệnh vì phải phiêu bạt đến nhiều thành phố.
Bây giờ, dù đã đến Nha Trang nhiều lần, nhưng tôi vẫn giữ những ký ức của tuổi học trò thời mới lớn: Nha Trang là thành phố biển sinh động với nhịp sống hối hả hơn Ban Mê Thuột rất nhiều.
Tôi nhớ mãi một câu chuyện có phần tiếu lâm khi làm “sĩ tử” tại miền quê hương cát trắng. Tại Ga Nha Trang có nhiều gánh đậu hũ bán dạo, có cô mời khách bằng câu: “Đậu không cụ?”. Khi đó, trong lòng thắc mắc nhưng không dám hỏi tại sao cô lại mời như vậy. Mãi sau mới biết là cô… nói lái!
Tại Nha Trang ngày xưa có rất nhiều quân trường của Không quân, Hải quân và Biệt động quân nhưng tôi muốn nhắc đến Trường Hạ Sĩ quan Đồng Đế với bức tượng người lính cầm súng đứng theo thế “thao diễn nghỉ” dựng trên vách núi. Xa xa là dãy núi Hòn Khô, trông mường tượng như một cô gái đang nằm… Thế nên mới có hai câu thơ bất hủ của một thi sĩ nào đó:
        “Anh đứng ngàn năm thao diễn nghỉ,
        Em nằm xõa tóc đợi chờ ai”
Ngày nay, bức tượng người lính không còn nữa. Cứ tưởng anh lính đứng trên núi ngàn năm, ngờ đâu người lính biến mất khi miền Nam sụp đổ. Nghĩ cho cùng, cuộc đời này chẳng bao giờ có sự vĩnh viễn vì quy luật của tạo hóa là sự thay đổi, tiến hóa không ngừng.    
Đèo Phượng Hoàng
Từ Nha Trang muốn lên “phố núi” Pleiku thuộc tỉnh Gia Lai phải vượt qua hai địa danh mang những tên rất quái dị: dốc Đầu Lâu và đèo Măng Giang (Mang Yang). Người địa phương giải thích, theo tiếng Gia Rai, “măng” có nghĩa là cổng còn “giang” là trời. Chắc người ta muốn nói đèo Măng Giang cao ngất như cổng lên trời.
Như vậy, ngoài “cổng trời” trên Tây Nguyên, nếu đi khắp Việt Nam ta còn có dịp qua những “cổng trời” ở Quản Bạ trên cao nguyên đá Đồng Văn, “cổng trời” nằm trên đèo Kéo Cao của ngọn núi Phia Đây, có độ cao gần 1.000 m so với mặt biển tại Cao Bằng…
Không thể không nhắc đến trại giam “Cổng Trời”, nơi giam giữ các trọng tội hình sự và các tù nhân tôn giáo trong đợt xóa sổ năm 1959 tại miền Bắc và sau đó mở tung cánh cửa một lần nữa vào năm 1976 để đón những tù nhân cải tạo từ miền Nam gửi ra [1].
Có người lại gọi Măng Giang là dốc “Mang Rơi” vì khi qua đây là chấp nhận để tất cả những gì mình có “rơi” lại phía sau lưng và đương đầu với mọi khó khăn trước mặt ở phía bên kia dốc. Đó là tâm trạng của những người, vì cuộc sống đòi hỏi, phải lặn lội lên miền đất “khỉ ho, cò gáy” để mưu sinh.
Trong các đèo ở Tây nguyên thì có lẽ Măng Giang là nơi có nhiều tai nạn nhất trên quốc lộ 19 nên có biển báo “Đèo Măng Giang - Cua gấp nguy hiểm, lái xe chú ý giảm tốc độ”. Đường đèo khá rộng nhưng ngay tại đỉnh đèo có dốc thẳng đứng, nhiều bác tài lạ đường cứ nhấn ga bon bon, không kịp đề phòng khi gặp khúc cua gấp.
Đèo Măng Giang
Sau khi vượt đèo Măng Giang xe chúng tôi đi qua rất nhiều vườn trồng cà phê, một thế mạnh của vùng cao nguyên. Rất may, khi đó đang vào thời điểm cà phê nở hoa trắng xóa trên nền lá xanh um. Xe dừng lại để sinh viên tỏa vào vườn, chiêm ngưỡng hoa cà phê bằng mắt và cả bằng mũi: hoa cà phê thơm, mùi hương dịu nhẹ, thoang thoảng. Có sinh viên còn nhận xét một cách dí dỏm: mùi hoa cà phê khác hẳn mùi cà phê khi uống! 
Nhân dịp lên Pleiku, đoàn sinh viên Mỹ ghé vào Dakto, một địa danh nổi tiếng trong chiến tranh Việt Nam. Những cái tên thời chiến như Dakto, Charlie, Snoul, Krek, Toumorong… đã đi vào thơ, nhạc như trong bài hát Người ở lại Charlie của Trần Thiện Thanh [2]:
Toumorong, Dakto, Krek, Snoul
Trưa Khe Sanh gió mùa, đêm Hạ Lào thức sâu
Anh! Cũng anh vừa ở lại một mình, vừa ở lại một mình
Charlie, tên vẫn chưa quen người dân thị thành.
Chiến trường Dakto vào Mùa hè đỏ lửa năm 1972 giờ chỉ còn trơ lại những ngọn đồi trọc xác xơ cây cối. Chuyến ghé Dakto được coi như một cuộc hành hương về chiến trường xưa đồng thời cũng là dịp tốt để sinh viên có thể “mắt thấy, tai nghe” sinh hoạt buôn làng của người Sedang bên dòng Dakto có cây cầu treo bắc ngang.
Cầu treo bằn dây mây bắc ngang sông Dakto
Trong khi người Sedang thoăn thoắt bước đi trên cầu, đám sinh viên dò dẫm từng bước trên mặt cầu rung rinh, chao đảo theo từng bước. Cầu được thiết kế hoàn toàn bằng dây mây, bề ngang chỉ có 3 tấm ván, nhiều chỗ chỉ còn 2, nhìn qua khe hổng trên mặt cầu dòng nước sông Dakto vẫn lững lờ chảy. Chắc chắn đó là một trong những kỷ niệm khó quên đối với  những người trẻ đến từ một thế giới khác…
Sinh viên trên chiếc cầu treo
Tỉnh láng giềng Kon Tum có một đường đèo cũng mang tên Măng nhưng lại là Măng Đen nằm trong địa phận huyện Kon Plong. Với độ cao 1.100 mét, rừng nguyên sinh, rừng thông đỏ cùng hàng chục hồ và thác nước, Măng Đen hiện đang được quy hoạch thành khu du lịch quốc gia, được mệnh danh là "Đà Lạt thứ hai" hay "Đà Lạt của Kon Tum".
Đèo Măng Đen
Nằm giữa tỉnh Gia Lai và Bình định là Đèo An Khê, dài khoảng 20 km. An Khê dài, quanh co nhưng không dốc bằng đèo Măng Giang. Qua đỉnh đèo, huớng xuống Quy Nhơn, có ngay một khúc cua tay áo rất nguy hiểm.
Trên đèo An Khê đã diễn ra một trận đánh lịch sử vào tháng 6/1954. Quân đội Pháp vì lo ngại nguy cơ bị bao vây như ở Điện Biên Phủ nên quyết định nhanh chóng bỏ căn cứ An Khê để rút về Pleiku cách đó 80 km. Binh đoàn cơ động 100 được lệnh hành quân bằng cơ giới theo Quốc lộ 19 và đã bị đánh chặn. Tổn thất của người Pháp lên đến 500 và khoảng 600 người bị thương.   
Đèo Măng Giang và đèo An Khê là hai con đèo lớn nhất trên Quốc Lộ 19 từ ngã ba Bà Di lên cửa khẩu Lệ Thanh, huyện Đức Cơ, Gia Lai. Măng Giang có độ dài thua xa đèo An Khê, phong cảnh cũng không thể sánh bằng An Khê. Từ trên đỉnh đèo An Khê bạn có thể phóng tầm mắt bao quát một phần tỉnh Bình Định với các huyện Tây Sơn, An Lão, Tuy An...
Đường vào thị xã An Khê
Như đã nói, vừa ra khỏi thành phố Nha Trang là gặp ngay đèo Rù Rì, sau đó đến đèo Rọ Tượng, còn có tên là Ruột Tượng, ranh giới giữa huyện Ninh Hòa và Vĩnh Xương thuộc tỉnh Khánh Hòa. Ít người biết trong lòng đất bên dưới đèo Rọ Tượng là đường hầm dành cho xe lửa trên tuyến đường sắt Bắc-Nam.
Nguyễn Đình Tư trong Non nước Khánh Hòa giải thích về cái tên Rọ Tượng: ngày xưa vùng này có nhiều voi, còn được gọi là tượng. Người dân thường làm những chiếc rọ đặt trên đèo để bắt voi… (?). Lại có một lối giải thích khác cho rằng vì có khúc rộng ở giữa nhưng thắt lại ở hai đầu nên đường đèo này được gọi là “ruột tượng” (?).
Đèo Rọ Tượng băng qua núi Đá Vách thuộc huyện Ninh Hòa. Từ Nha Trang, khi qua khỏi đèo sẽ gặp sườn núi vòng sâu vào bên trong thành một hình móng ngựa gồm Hòn Son (660m), Hòn Khô (329m) Hòn Chùa (682m). Hiện vẫn còn dấu tích thành Thạch Lũy của người Chiêm Thành. Dưới chân thành có một hồ nước trong veo sâu thăm thẳm, xung quanh hồ, đá được xếp thành bờ rất đẹp.
Đèo Rọ Tượng
Tiếp nối đèo Rọ Tượng là đèo Bánh Ít cũng thuộc huyện Ninh Hoà, tỉnh Khánh Hoà. Đèo Bánh Ít và núi Ổ Gà (cao gần 400 m) là hai địa danh quen thuộc của người dân Ninh Hòa. Núi Ổ Gà địa thế hiểm trở nên từ năm 1945 trong cuộc chiến tranh Việt-Pháp đã trở thành một mật khu của Việt Minh. Người dân tỉnh Khánh Hòa thường nhắc đến 4 địa danh nổi tiếng: “Mưa Đồng Cọ, gió Tu Hoa, cọp Ổ Gà, ma Hòn Lớn”.
Phía bên phải đèo Bánh Ít là một đồi tròn cao non 200 m trông giống như cái bánh ít lột trần nên có lẽ vì vậy đèo mang luôn cái tên Bánh Ít. Có người lại kể theo tương truyền thời xa xưa một bà già hằng ngày ngồi trong túp lều tranh ngay trên đỉnh đèo bán bánh ít. Bánh ít của bà ngon có tiếng khiến khách qua đường thường ghé ăn bánh ít và xin nước uống.
Đèo Bánh Ít
Trên đọan đường từ Ninh Hòa đi Tuy Hòa dài 91km còn có đèo Cổ Mã dẫn ra biển Đại Lãnh. Đèo Cổ Mã nằm gần núi Đại Lãnh trên Quốc lộ 1A, thuộc địa bàn xã Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hoà. Tại đây có hầm xe lửa dài 402m, từ km 1284+262 ở phía nam ga Ninh Hoà và vào thời Nguyễn đã có trạm bưu điện dưới chân đèo.
Tên đèo nằm giữa cao nguyên và duyên hải tại vùng này quả thật là “khác người”. Về tên  gọi Cổ Mã, sách Non nước Khánh Hoà giải thích vì hình núi ở đây giống như cổ con ngựa. Chắc có lẽ phải nhìn từ trên cao hoặc đi từ ngoài biển vào trông mới thấy cổ ngựa.
Dưới chân đèo Cổ Mã còn có một bãi tắm tuy nhỏ, vắng người nhưng thật lý tưởng cho những ai thích hòa mình vào thiên nhiên. Nhiều người cho rằng bãi biển Đại Lãnh gần đó, dù đã được Tổ chức Du lịch thế giới đánh giá là “tầm cỡ thế giới”, nhưng quả thật không bằng tắm ở Cổ Mã hoang sơ, vắng lặng và gần gũi với thiên nhiên hơn.
Đèo Cổ Mã
 

Chú thích:



[1] Đọc Trại giam Cổng trời, Mặc Lâm, Đài Á châu Tự do (RFA):






[2] Video clip Người ở lại Charlie do Thanh Lan & Duy Quang trình bày:
 

Dọc theo Quốc lộ 1A, đoạn từ Nha Trang đi Quy Nhơn, du khách sẽ vượt qua Đèo Cả. Đây là đường đèo cắt ngang dãy núi Đại Lãnh, ranh giới tự nhiên giữa tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên. Xưa kia, từ năm 1471 đến 1653, Đèo Cả là ranh giới quốc gia giữa hai nước Đại Việt và Chiêm Thành.
Cũng tại đây, trong khoảng thời gian 1771-1802 có nhiều cuộc giao tranh giữa chúa Nguyễn Ánh và anh em nhà Tây Sơn. Tiếp đến, năm 1947, Đèo Cả là chiến trường giữa quân Pháp và Việt Minh. Địa danh Đèo Cả đã đóng một vai trò chứng nhân quan trọng trong suốt chiều dài lịch sử của đất nước.
Đèo Cả
Những người lần đầu tiên vượt Đèo Cả sẽ không khỏi ngạc nhiên khi thấy từ xa những ống nước tựa như “giếng phun” nằm trên khu vực đỉnh đèo. Lại gần mới biết đó là dịch vụ rửa xe, dùng nguồn nước trên đỉnh núi để làm mát động cơ xe sau khi leo đèo. Ngoài việc làm mát máy xe cộ, cánh lái xe tải còn được một vài quán cóc trên đèo cung cấp “dịch vụ tươi mát”. Hóa ra cái tên Đèo Cả ngày nay còn hàm ý phục vụ “cả” người lẫn xe!
Tại sao lại có tên Đèo Cả? Theo người miền Bắc, anh cả hoặc chị cả là người lớn nhất, tương tự như anh hai, chị hai ở miền Nam. Phải chăng vì ngọn đèo dài hơn 10 km ở độ cao 400 m này có tới cả trăm khúc cua nên được phong là Đèo Cả trong số các ngọn đèo nằm rải rác trên toàn lãnh thổ (?).
Khách vượt Đèo Cả tại khúc cua Đá Đen nếu để ý sẽ thấy một túp lề nằm chơ vơ giữa một bên là núi rừng, một bên là biển cả của cụ Nguyễn Thị Phương, pháp danh Nguyên Quảng. Trước khi xuất gia, bà cũng có mái ấm của riêng mình với chồng và hai người con gái.
Cho đến một ngày, trên chuyến xe đi qua Đèo Cả, đoạn gần đường rầy xe lửa, chiếc xe khách chở cả gia đình bà đã lao thẳng xuống vực sâu. Trong tai nạn này, 72 người trên chuyến xe đó đã ra đi vĩnh viễn, chỉ còn lại bà, một đứa bé trai 10 tuổi và tài xế may mắn thoát chết.
Dân làng quanh đấy cho biết, bà cụ cũng là người xây tượng Quan Thế Âm tại cua Đá Đen và pho tượng được một Phật tử từ miền Nam phát tâm cúng dường. Sau đó, bà đã nhờ người xây am và dựng tượng tại nơi đây để khách đi đường lễ bái, cầu xin một cuộc hành trình bình an trên Đèo Cả.
Nghe nói Bộ Giao thông Vận tải đã khởi công dự án hầm đường bộ Đèo Cả với số vốn đầu tư 15.600 tỷ đồng, công trình sẽ hoàn thành vào năm 2016. Đầu đường hầm bắt đầu tại xã Hòa Xuân Nam (Phú Yên) và điểm cuối tại xã Vạn Thọ (Khánh Hòa) với tổng chiều dài hơn 13,4 km, trong đó có hầm Đèo Cả dài 3.900 m, hầm Cổ Mã 500 m và đường dẫn dài 8,5 km.
Một khúc quanh trên Đèo Cả
Phú Yên là một tỉnh có địa lý phức tạp với 3 mặt giáp núi. Phía Bắc có dãy Cù Mông, phía Nam là dãy Đèo Cả, phía Tây là mạn sườn của dãy Trường Sơn trổ ra biển, và phía phía còn lại là biển Đông. Tại Phú Yên, ngọn núi Chư Ninh (1.636 m) thuộc huyện Sông Hinh cao nhất, còn có các núi khác như Hòn Dù, Hòn Chúa, núi Chư Treng và núi La Hiên.
Ngay tại thành phố Tuy Hòa cũng có một ngọn núi không cao nhưng rất nổi tiếng, đó là núi Nhạn. Ngọn núi này nằm ngay bên cạnh sông Đà Rằng, có Tháp Nhạn cổ kính do người Chàm (còn gọi là người Chăm) xây dựng vào khoảng thế kỷ 12. Qua năm tháng và chiến tranh, Tháp Nhạn đã nhiều lần bị hư hỏng nặng nhưng Phú Yên đã phục dựng nguyên gốc để trở thành một điểm thu hút khách du lịch.
Tháp Nhạn, Tuy Hòa, Phú Yên
Người Chàm đã xây dựng rất nhiều tháp dọc theo duyên hải miền Trung trong các thời kỳ từ thế kỷ 7 đến thể kỷ 17 theo nhiều phong cách khác nhau. Đây cũng là dịp để các sinh viên Mỹ tìm hiểu thêm về dân tộc Chàm đã một thời là một vương quốc hùng mạnh dọc theo giải đất miền Trung [1].
Thành Đồ Bàn, còn gọi là thành cổ Chà Bàn hoặc thành Hoàng Đế, nay thuộc địa phận xã Nhơn Hậu, Thị xã An Nhơn và cách thành phố Qui Nhơn 27 km về hướng tây bắc, là tên kinh đô của Chăm Pa có quốc hiệu là Chiêm Thành.
Năm 2006, Trung tâm Quản lý Di tích - Di sản tỉnh Quảng Nam chính thức công bố các nhà khoa học của Đại học Milan (Ý) khi đang làm việc trùng tu nhóm tháp G thuộc Thánh địa Mỹ Sơn đã nhận biết được loại vật liệu kết dính để xây tháp Champa cách đây vài trăm năm.
Theo các nhà khoa học, đặc điểm tháp của người Chàm được kết dính bằng một loại keo được tinh chế từ một loài thực vật vốn có rất nhiều trong khu vực quanh di sản Mỹ Sơn (Quảng Nam), người dân địa phương thường gọi là cây dầu rái. Ngoài ra, họ cũng đã phát hiện ra một loại hợp chất có nguồn gốc từ thực vật bản địa có trong gạch sử dụng để xây tháp. Như vậy, những điều bí ẩn xung quanh vật liệu được người Chăm sử dụng để xây dựng các công trình tôn giáo ở Việt Nam sau hơn 100 năm đã được giải mã.
Dọc theo duyên hải miền Trung, chúng tôi đã ghé tháp Poklong Garai ở Phan Rang, còn được gọi là Tháp Chàm, tại thị trấn mang cùng tên Tháp Chàm thuộc tỉnh Phan Rang, Ninh Thuận. Vùng đất Ninh Thuận đã từng là kinh đô Panduranga của Vương quốc Chăm Pa cổ và bắt đầu từ đây ngược ra tới Đà Nẵng người ta gặp rất nhiều ngôi tháp của người Chàm.
Tháp Poklong Garai ở Phan Rang
Nhà thơ Chế Lan Viên với tập thơ đầu tay Điêu tàn đã nói lên nỗi lòng của những ngọn tháp Chàm trước sự vô tình của thời gian. Phải chăng đó cũng là nỗi “hận vong quốc” trong tâm tư sâu thẳm của một dân tộc đã trải qua một dĩ vãng huy hoàng?
“Quả đất chuyển giây lòng tôi rung động
Nỗi sầu tư nhuần thấm cõi Hư Vô!
Tháng ngày qua, gạch Chàm đua nhau rụng
Tháp Chàm đua nhau đổ dưới trăng mờ!”
Trong kho tàng âm nhạc của Việt Nam người ta cũng chú ý đến bài hát Hận Đồ Bàn của nhạc sĩ Xuân Tiên [2]. Mối “hận” này phải do chính ca sĩ người Chàm hát mới lột tả hết tâm trạng của kẻ mất nước. Không ai dành được ngôi vị số 1 của Chế Linh khi cất tiếng hát ai oán… “… người xưa đâu? người xưa đâu?...”
“… Rừng trầm cô tịch, đèo cao thác sâu
Đồi hoang suối reo, hoang vắng cheo leo
Ngàn muôn tiếng âm, tháng năm buồn ngân...
Âm thầm hòa bài hận vong quốc ca…”
Nói đến người Chàm, trong ký ức của tôi vẫn còn in rõ hình ảnh một người bạn học năm Đệ Nhất trường Trần Hưng Đạo, anh là người Chàm lên Đà Lạt trọ học. Cũng như phần đông người Chàm, anh hiền lành, ít nói, lúc nào cũng có vẻ u uất một tâm sự dấu kín trong lòng. Chúng tôi tham gia ban văn nghệ của trường và, thật bất ngờ, tới lúc đó tôi mới biết anh có hai bài hát tự sáng tác.
Bài hát được chính tác giả trình diễn trên sân khấu rạp Hòa Bình và ngay sau đó được Đài phát thanh Đà Lạt ghi âm và phát lại nhiều lần. Đó là hai bài Bây giờ tháng mấy, Mùa thu mây ngàn và tác giả là Từ Công Phụng. Học xong năm Đệ Nhất, Từ Công Phụng về Sài Gòn và chẳng mấy chốc nổi tiếng trong làng ca nhạc cuối thập niên 60. 
Tháp Po Nagar ở Nha Trang đang được phục dựng
Xin trở lại với đèo và núi miền Trung. Đặc điểm của khu vực này có nhiều núi từ dãy Trường Sơn cắt ngang ra biển nên dọc theo Quốc lộ 1A, 1D và Quốc lộ 25 xuất hiện rất nhiều đèo. Trên quốc lộ 1A, sau khi vượt qua Đèo Cả sẽ tiếp tục hướng về đèo Cù Mông – ranh giới giữa hai tỉnh Bình Định và Phú Yên. Ở Phú Yên có câu ca dao nói về hai đèo này:
“Phú Yên đứng giữa hai đèo
Thương anh em có sợ nghèo hay không?”
Bình Định và Phú Yên còn được biết đến qua tên gọi “Xứ Nẫu”, một cái tên mới nghe qua tưởng là có ý miệt thị. Không phải vậy, bằng chứng là ngay ở Sài Gòn có quán ăn mang tên Ở Quãy với lời giải thích ngay trên bảng hiệu “Món ngon xứ nẫu”. Chắc bạn đọc thắc mắc cái tên Ở Quãy cũng lạ tai và khó hiểu. Chủ quán giải thích: “Ở Quãy” theo tiếng địa phương của người Bình Định nghĩa là “ở ngoài đó”. Nếu còn thắc mắc, bạn có thể vào tham khảo trang Facebook của Ở Quãy tại http://www.facebook.com/quanoquay.
Nhà hàng Ở Quãy, 'món ngon xứ nẫu'  tại Sài Gòn
Từ Sông Cầu vào đến Quy Nhơn,  trước khi lên đèo Cù Mông, xe chúng tôi phải vượt qua một đoạn đường dốc và khúc khuỷu có tên là dốc Găng, cánh lái xe thường gọi một cách thi vị là “15 cây số quanh co”.
Đèo Cù Mông, một trong số những cái tên bình dị về đường đèo đất Việt, có chiều dài 9 km, độ cao 245 m, độ dốc 9%. Đèo nằm trên dãy núi mang cùng tên và là ranh giới giữa thị xã Sông Cầu (Phú Yên) và Bình Định. Qua khỏi đèo Cù Mông, đi thêm khoảng 15 km là tới thành phố Quy Nhôn.
Sử sách ghi chép, năm 1471 sau trận chiến giữa Đại Việt và Chiêm Thành, người Chàm thua trận nên đã bị mất vùng đất phía bắc từ đèo Hải Vân tới đèo Cù Mông. Cũng từ năm đó, đèo Cù Mông chính là ranh giới mới giữa hai nước cho đến năm 1611.
Cái tên Cù Mông thật gợi hình. Tôi cứ liên tưởng đến chuyện ai đó cù vào mông mình khiến ngồi trong xe cứ nhấp nhổm khi qua đoạn đường đèo hiểm trở! Tên ngày xưa của ngọn đèo này cũng bắt đầu bằng Cù nhưng lại là Cù Mãng với ý nghĩa “Cù” là linh vật đầu lân, mình rồng còn “Mãng” là rắn thần.
Những khi thời tiết thay đổi, mưa gió bão bùng, dân địa phương bảo là “Cù dậy”. Đó là lúc linh vật chuyển mình tựa như đầu rồng hút nước. Truyền thuyết lại còn kể rằng khi hạn hán, ông trời sai con “cù mãng” (rắn xanh) xuống đỉnh Cù Mông để bắt con beo thần và làm mưa cho vùng đất này.
Beo thần bị con cù mãng bắt đưa về trời sau cuộc chiến, vì vậy, hàng năm cứ vào tháng 9, tháng 10 âm lịch là cả vùng đất Cù Mông mưa gió, sấm chớp nổi lên đùng đùng mà người dân gọi là cuộc huyết chiến giữa thần Cù Mãng và Beo thần ngày xưa.
Thị xã Sông Cầu còn có những đèo, dốc mang tên lạ lẫm như đèo Tùy Luật, đèo Nại, dốc Ba Ngoài, dốc Quýt, dốc Gành Đỏ. Huyện Tuy An có dốc Vườn Xoài (còn gọi là dốc Đá Trắng), đèo Tam Giang, đèo Thị, dốc Bà Ền. Huyện Đồng Xuân có đèo Cây Cưa, Sông Hinh có đèo Bình Thảo và Phú Hoà có đèo Dinh Ông.
Đèo Cù Mông
Giữa thành phố Nha Trang và Quy Nhơn là một khoảng cách vừa dài về cự ly lại vừa xa về nhịp độ cuộc sống. Trong khi Nha Trang nhộn nhịp đón khách du lịch trong và ngoài nước thì Quy Nhơn hình như vẫn còn ngái ngủ giữa buổi trưa nồng. Màu cát trên bãi biển Quy Nhơn không trắng như Nha Trang, không vàng như Sa Hùynh mà lại ngả sang một mầu xam xám trông tựa bùn non.
Cũng như vị trí của Bảo Lộc nằm giữa Sài Gòn và Đà Lạt, Quy Nhơn được coi là trạm dừng chân trên tuyến Nha Trang – Đà Nẵng dài đến 540km dọc theo duyên hải miền Trung. Một buổi sáng sớm dạo quanh Quy Nhơn tôi tình cờ biết đến một cái tên rất ‘dân dã’ dành cho nơi này. Theo lời bác cyclo lớn tuổi, tiền thân của khu vực này là một bến cá, người địa phương gọi là ‘khu nín thở’ vì mùi tanh của cá.
Bình minh trên biển Quy Nhơn
Bình Định là quê hương của các loại hình nghệ thuật như tuồng, bài chòi... với bờ biển dài, nhiều vũng vịnh với những bãi tắm đẹp và danh lam thắng cảnh như: Quy Nhơn, Tam Quan, Tân Thanh, Vĩnh Hội, Trung Lương, Hải Giang, Đảo Yến, bãi tắm Hoàng Hậu, Quy Hòa, Bãi Dại, Tân Phụng, Vĩnh Lợi..
Bảo tàng Quang Trung ở đất Tây Sơn là niềm tự hào của Bình Định, quê hương của anh hùng áo vải Nguyễn Huệ sau này là vua Quang Trung và địa danh này cũng là cái nôi của môn phái võ dân tộc nổi tiếng.
Bảo tàng ngày nay đã được tân tạo với một chiếc cầu mới dẫn vào khu di tích lịch sử gồm một quần thể kiến trúc bao quanh tượng đài ‘anh hùng áo vải’ Quang Trung. Khách du lịch còn có dịp được thấy tận mắt giếng nước nơi Nguyễn Huệ cùng Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ họp bàn chuyện kéo quân ra Bắc chống quân Thanh.
Bảo tàng Quang Trung còn có khu sân khấu biểu diễn võ Bình Định. Chương trình bắt đầu với các hồi trống trận và sau đó là các thế võ dân tộc qua nhiều lọai binh khí như côn, đao, lao, kiếm và roi. Ấn tượng nhất là màn biểu diễn của những nữ võ sĩ khiến người xem liên tưởng đến câu ca dao:
Ai về Bình Định mà xem
Con gái Bình Định cầm roi... rượt chồng!
Để có nguồn kinh phí điều hành, Bảo tàng Quang Trung bán vé vào cửa xem biểu diễn võ được phân thành 2 giá, rẻ hơn cho khách trong nước và đắt hơn cho khách ngoài nước. Điều đáng nói là tôi có một máy quay video nên phải đóng thêm một khoản tiền nữa. Thiết nghĩ, ban quản lý bảo tàng qúa chi li với cách kinh doanh như vậy! 
Bảo tàng Quang Trung
Chú thích:
[1] Lịch sử Chăm Pa (Chàm), bao gồm các quốc gia Lâm Ấp, Hoàn Vương, Chiêm Thành (Campanagara) và Thuận Thành (Nagar Cam), độc lập từ 192 và kết thúc vào 1832. Lãnh thổ này được ghi nhận là từ miền Trung trở vào miền Nam, thay đổi tùy thời kỳ. Từ 1694 đến 1832, chúa Chăm Pa (Trấn vương Thuận Thành) nằm dưới sự đô hộ của các chúa Nguyễn, vua nhà Tây Sơn và vua nhà Nguyễn cho đến lúc bị sáp nhập hoàn toàn.
Văn hóa Sa Huỳnh là xã hội tiền sử thuộc thời đại kim khí tại khu vực ven biển miền Trung. Năm 1909, đã phát hiện khoảng 200 lọ được chôn ở Sa Huỳnh, một làng ven biển ở nam Quảng Ngãi. Sa Huỳnh có đặc điểm văn hóa thời đại Đồng Thau rất đặc trưng với phong cách riêng, thể hiện qua các hiện vật như rìu, dao và đồ trang sức. Việc định tuổi theo phương pháp phóng xạ carbon đã xếp văn hóa Sa Huỳnh đồng thời với văn hóa Đông Sơn, tức khoảng thiên niên kỷ thứ nhất trước Công nguyên.
Người Chăm bắt đầu cư trú tại đồng bằng ven biển miền Trung từ khoảng năm 200 công nguyên. Lúc này người Chăm đã tiếp thu các yếu tố của văn hóa, tôn giáo và chính trị của Ấn Độ. Các nghiên cứu khảo cổ học của các tác giả cho thấy người Chăm chính là hậu duệ về mặt ngôn ngữ và văn hóa của người Sa Huỳnh cổ.
Các hiện vật khảo cổ của người Sa Huỳnh cho thấy họ đã là những người thợ thủ công rất khéo tay và đã sản xuất ra nhiều đồ trang sức và vật dụng trang trí bằng đá và thủy tinh. Phong cách trang sức Sa Huỳnh còn phát hiện thấy ở Thái Lan, Đài Loan và Philippines chứng tỏ họ đã buôn bán với các nước láng giềng ở Đông Nam Á cả bằng đường biển và đường bộ. Các nhà khảo cổ cũng quan sát thấy các hiện vật bằng sắt đã được người Sa Huỳnh sử dụng trong khi người Đông Sơn láng giềng vẫn còn chủ yếu sử dụng đồ đồng.
Vị vua hùng mạnh cuối cùng của vương quốc Chăm Pa là Chế Bồng Nga. Không có văn bia Chăm Pa nào đề cập đến ông và Biên Niên Sử cũng không ghi chép về ông. Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (1491), ông cai trị từ năm 1360 đến năm 1390. Ông tấn công vào Đại Việt nhiều lần. Quân đội Chăm Pa đã đánh phá Thăng Long vào các năm 1372 và 1378. Lần tấn công cuối cùng của quân đội Chăm Pa vào lãnh thổ nhà Trần là vào năm 1389.
(Nguồn: Wikipedia)
[2] Video clip Hận Đồ Bàn (Nhạc và lời: Xuân Tiên, trình bày: Chế Linh)
 


Rời xứ võ Bình Định của “anh hùng áo vải” Quang Trung chúng tôi đến Quảng Ngãi, “quê mía, xứ đường”. Người ta còn đặt cho Quảng Ngãi biệt danh vùng đất “núi Ấn, sông Trà” với ngọn núi Thiên Ấn được vua Tự Đức phong tặng là “danh sơn” và sông Trà Khúc được xếp vào loại “đại xuyên”. Quảng Ngãi còn có 150 km bờ biển, kéo dài từ An Tân (chứ không phải Tân An ở miền Nam) đến Sa Huỳnh, với nhiều bãi biển đẹp như Mỹ Khê, Khe Hai, Minh Tân…



Trong chiến tranh Việt Nam, thôn Mỹ Lai, làng Sơn Mỹ thuộc huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi được cả thế giới biết đến qua phương tiện truyền thông với những cái tên như My Lai Massacre, Son My Massacre hoặc Pinkville theo tên gọi của quân đội Hoa Kỳ. Địa danh này đã đi vào những trang lịch sử u buồn của Quảng Ngãi với 504 thường dân, hầu hết là đàn bà và trẻ em, đã bị quân đội Hoa Kỳ tàn sát vào sáng ngày 16/3/1969 [1].




Vụ thảm sát tại Sơn Mỹ (Mỹ Lai)





Sinh viên Mỹ rất háo hức trên đường đến khu chứng tích Sơn Mỹ. Tuy nhiên, sau chuyến thăm nơi này, tôi thấy những người thuộc thế hệ trẻ bỗng trở nên ít nói hơn so với trước đó. Lý do tại sao thì cũng dễ hiểu nhưng điều đáng ngạc nhiên là một chuyện xảy ra từ hơn 30 năm về trước đã có tác động mạnh đến những suy nghĩ về chiến tranh và hòa bình của thế hệ trẻ.



Những người đã từng tham chiến thuộc thế hệ già nua như tôi, như những người anh em phía bên kia chiến tuyến cũng như những người Mỹ thuộc lớp “baby-boomers” chiến đấu tại Việt Nam có thể nhìn chiến tranh dưới một khía cạnh trần trụi, khắc nghiệt: giết người hoặc bị người giết. Tất cả chúng tôi hầu như đều chấp nhận những thảm kịch của chiến tranh, coi đó như một điều tất yếu phải xảy ra, không với bên này thì cũng với bên kia. Nhưng, đối với thế hệ trẻ, cả Việt lẫn Mỹ, họ đều có những suy nghĩ khác hẳn.

Dọc hai bên lối đi vào Khu chứng tích Sơn Mỹ là những bia đá ghi lại địa điểm những ngôi nhà của các gia đình đã bị tàn sát chen lẫn vết tích của các hầm tránh đạn và những bức tượng nhỏ mang hình ảnh của nạn nhân. Gốc cây gòn, nơi một số dân làng bị giết vẫn còn đó và phía sau tượng đài là một bức bích họa đầy màu sắc thể hiện hình ảnh của vụ thảm sát. Phía bên trái lối đi là tòa nhà trưng bày chứng tích gồm hình ảnh và hiện vật còn sót lại của làng Sơn Mỹ.

Khu chứng tích Sơn Mỹ thu hút rất nhiều khách tham quan người Mỹ thuộc mọi thế hệ, đặc biệt là những cựu binh tham gia chiến tranh Việt Nam. Họ trở lại đây với nhiều tâm trạng khác nhau, có thể đó chỉ đơn thần là một chuyến du lịch và cũng có thể là một cuộc hành hương tìm về quá khứ. Hugh Thomson, viên chuẩn úy phi công lái chiếc trực thăng trinh sát đã từng chứng kiến cảnh tàn sát, cũng đã trở lại Sơn Mỹ để thực hiện phim Tiếng vĩ cầm tại Mỹ Lai nhân kỷ niệm 30 năm vụ thảm sát.





Tượng đài kỷ niệm tại Sơn Mỹ (Mỹ Lai)



Từ Quảng Ngãi chúng tôi đến Quảng Nam, nơi có nhiều ngọn cao trên 2.000 m như núi Lum Heo (2.045 m), núi Tion (2.032 m), núi Gole - Lang (1.855 m). Giữa Quảng Ngãi và Kon Tum còn có ngọn Ngọc Linh cao 2.598 m, đây cũng là đỉnh cao nhất của dãy Trường Sơn.

Ngoài ra, vùng ven biển phía đông sông Trường Giang là dải cồn cát chạy dài từ Điện Ngọc, Điện Bàn đến Tam Quan, Núi Thành. Bề mặt địa hình Quảng Nam bị chia cắt bởi hệ thống sông ngòi khá phát triển gồm sông Thu Bồn, sông Tam Kỳ, sông Trường Giang và sông Cổ Cò.




Cảnh đẹp ít người biết đến trên sông Cổ Cò, Hội An



Sau năm 1975, hai tỉnh Quảng Nam, Quảng Tín và thành phố Đà Nẵng được sáp nhập thành tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng nhưng đến năm 1997, hai tỉnh này lại được chia thành các đơn vị hành chính độc lập gồm thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam. Tỉnh có 14 huyện với những cái tên khá ngộ nghĩnh như Giằng (nay là huyện Nam Giang), Hiên (nay là Đông Giang và Tây Giang) và 2 thị xã là Tam Kỳ và Hội An (nay là thành phố Hội An).

Tin vui đến với Hội An vào những ngày cuối năm 1999 khi UNESCO đã chính thức công nhận phố cổ Hội An và thánh địa Mỹ Sơn là Di sản Văn hóa Thế giới. Đây cũng là miền tự hào của người dân Quảng Nam vì cả hai di sản đều thuộc địa phận tỉnh.

Thật đáng tiếc, chúng tôi không có đủ thì giờ thăm thánh địa Mỹ Sơn nằm cách thành phố Đà Nẵng gần 70 km. Một phần vì khoảng cách khá xa hơn nữa sinh viên Mỹ đã có dịp đến nhiều ngôi tháp của người Chàm nằm trên Quốc lộ 1 A dọc theo duyên hải miền Trung.

Ngành du lịch Hội An gần đây đã thực hiện những bước đột phá ngọan mục với việc phát hành loại vé mang tên Một lần thăm đô thị cổ Hội An. Khách du lịch có thể tùy ý lựa chọn 5 điểm trong đó giới thiệu Bảo tàng Lịch sử - Văn hóa, Bảo tàng Gốm sứ Mậu dịch và Bảo tàng Văn hóa Sa Hùynh.

Khách cũng có thể chọn 1 trong 3 hội quán cổ của người Quảng Đông, Triều Châu hoặc Phúc Kiến và 1 trong 4 ngôi nhà cổ gồm Nhà thờ tộc Trần, Phùng Hưng, Quân Thắng và Tấn Ký. Điểm du lịch thứ tư có thể là sự lựa chọn giữa Cầu Nhật Bản và miếu Quan Công; cuối cùng là sự lựa chọn một trong những di tích còn lại trong vé.

Tại mỗi điểm, khách sẽ được nhân viên hướng dẫn tận tình với thời gian không hạn chế. Tuy nhiên, Hội An cần xét lại sự chênh lệch về giá vé giữ khách nội địa và khách quốc tế. Trong khi khách trong nước chỉ trả 10.000 đồng thì khách nước ngoài phải trả đến 50.000, một số tiền tương đối lớn đối với những sinh viên của đoàn chúng tôi hãy còn phụ thuộc vào gia đình.

Rõ ràng là Hội An mang lại cho khách du lịch sự thoải mái rất khó tìm tại những thành phố du lịch khác trên đất Việt. Tại đây không có những ‘đội quân’ bán hàng rong kiên nhẫn bám theo khách như ‘đỉa đói’. Người Hội An rất hiếu khách. Một anh xe ôm đã tận tình đưa tôi đi khắp các điểm tham quan, anh giải thích cặn kẽ từng chi tiết, nhớ từng niên biểu như một hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp.

Vốn kiến thức của người chạy xe ôm về Hội An rất phong phú nhưng điều quan trọng hơn cả là niềm tự hào của anh khi được nói về phố cổ như của chính mình. Phải chăng truyền thống tiếp xúc với phần còn lại của thế giới từ thế kỷ thứ 16 đã tạo cho người Hội An nét đặc thù trong giao tiếp?

Đặc sản của phố cổ Hội An là món cao lầu. Một tô cao lầu gồm những sợi mỳ màu vàng, bên trên là tôm, thịt heo, các loại rau sống và rất ít nước dùng, từa tựa như mì quảng. Sợi mỳ màu vàng là do được trộn với tro của một loại cây ở địa phương. Nhiều người cho rằng món này của người Hoa, nhưng Hoa kiều ở đây lại không công nhận nó. Còn người Nhật thì cho rằng nó giống mỳ udon của họ nhưng khác về hương vị và cách chế biến.

Tinh túy của món cao lầu là sợi mì, thường được chế biến rất công phu. Đầu tiên, gạo thơm đem ngâm vào nước tro, mà phải là tro nấu củi lấy ở tận Cù lao Chàm, hòn đảo cách Hội An 16 km, mới tạo ra được sợi mì có độ giòn, dẻo và khô. Sau đó lọc kỹ, xay thành bột; nước xay gạo phải là nước ở giếng Bá Lễ do người Chàm đào cách đây cả ngàn năm, mới được nước ngọt, không bị phèn và mát lạnh. Cao lầu quả là… cầu kỳ.



Cao lầu với thịt và da heo chiên



Ẩm thực Quảng Nam cũng có nét cá biệt đáng ghi lại như ở Tam Kỳ có món cơm gà nổi tiếng. Chỉ trên đường Phan Chu Trinh – Phan Bội Châu tôi đã thấy có tới mấy quán như Cơm gà bà Luận, Cơm gà Tam Duyên, Cơm gà Hải Phương, Cơm gà Đặc sản bà Huế…

Riêng bà Luận còn có một hệ thống gồm 4 nhà hàng tại Sài Gòn lúc nào cũng đông khách sành ăn. Có lẽ bí quyết của món này phải là gà ta nuôi tại Tam Kỳ và cơm được nấu bằng nước luộc gà, tất cả đều đượm một màu vàng ươm bắt mắt. 




Cơm gà Tam Kỳ



Rời Đà Nẵng chúng tôi chuẩn bị vượt qua một ngọn đèo được mệnh danh là “Đệ nhất Hùng quan” dài 20 km xuyên qua dãy Trường Sơn. Vào thế kỷ 15, vua Lê Thánh Tông trong một lần vi hành đã dừng lại trên đỉnh đèo để ngắm cảnh làm thơ. Trước cảnh hùng vĩ của trời mây và biển cả, nhà vua đã phong cho ngọn đèo này danh hiệu “Đệ nhất hùng quan”. Ngọn đèo này gần như quanh năm sương mù, mây xuống rất thấp và có những đoạn trông ra biển từ độ cao 500 mét.

Đó là đèo Hải Vân, một cái tên kết hợp giữa biển và mây. Đèo Hải Vân cũng là ranh giới tự nhiên giữa hai thành phố Đà Nẵng và Huế. Hải Vân (còn gọi là Ải Vân) đã đi vào ca dao dân gian với âm điệu trầm buồn:

Chiều chiều mây phủ Ải Vân.
Chim kêu ghềnh đá gẫm thân lại buồn.




Đèo Hải Vân



Quốc lộ 1A trước đây được gọi là Đường Cái Quan, nơi băng qua đèo Hải Vân rất ít người dám qua lại vì hiểm trở, thú dữ và cướp bóc... Vào thời Pháp thuộc, con đường này được sửa sang thông thoáng hơn, đồng thời người Pháp còn cho xây dựng tuyến đường sắt và đường hầm song song với đường đèo. Cho đến nay, đường đèo Hải Vân vẫn là một nỗi ám ảnh đối với cả người lái xe và hành khách trên xe:

Đi bộ thì sợ Hải Vân
Đi thủy thì sợ sóng thần Hang Dơi

Đèo Hải Vân mọi người đều biết, còn Hang Dơi thì nằm ở chân núi kề biển về phía Lăng Cô, ở đây thường có sóng lớn làm đắm thuyền. Đó là hai nỗi sợ của những người phải di chuyển trên khu vực này.

Năm 1695, một thương nhân người Anh tên Thomas Bowyear đã ghi lại: “Ngày 4.10.1695, khởi hành từ Faifo [Hội An], đi dọc theo bờ biển và trên các núi cao, dù có con đường ngắn hơn nhưng bị cấm, nên tôi không thể đi được...” [2]. Con đường bị cấm mà Bowyear nói đến có lẽ là đoạn từ Lăng Cô ra Huế bằng cách vượt qua các đèo Phú Gia, Cầu Hai và Đá Bạc. 




Một khúc cua gắt trên đèo Hải Vân



Vùng đất Hải Vân xưa thuộc hai châu Ô và Rí của vương quốc Chàm. Vua Chế Mân hiến tặng vua Trần Nhân Tông làm sính lễ cầu hôn công chúa Huyền Trân. Câu chuyện về Huyền Trân đã trở thành một đề tài trong thi ca, nghệ thuật. Có lẽ vào thời đó, người Việt coi người Chàm là dân tộc thấp kém nên đã có câu:

Tiếc thay cây quế giữa rừng
Để cho thằng Mán thằng Mường nó leo

Điểm đặc biệt chỉ có thể thấy ở Hải Vân là từ trên đỉnh đèo có thể quan sát cả hai phía vào những ngày đẹp trời. Phía bắc là đồi núi trập trùng phủ màu mây trắng, xa xa là đầm Lập An, vịnh Lăng Cô thuộc địa phận Thừa Thiên – Huế. Phía nam, sóng biển vỗ quanh triền núi, xa hơn nữa là toàn cảnh thành phố Đà Nẵng bên bờ sông Hàn.  

Như đã nói, Hải Vân còn được gọi là Ải Vân. Ngày nay, trên đỉnh đèo Hải Vân vẫn còn dấu vết của một cửa ải, gọi là “Hải Vân Quan”, xây từ đời Trần, và được trùng tu vào thời Nguyễn. Cửa trông về phủ Thừa Thiên đề ba chữ “Hải Vân Quan”, cửa trông xuống Quảng Nam đề “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” bằng chữ Hán.




Điểm dừng chân trên đỉnh đèo Hải Vân



Xe của chúng tôi dừng lại rất lâu tại đỉnh đèo. Một kỷ niệm đáng nhớ nhất trên đỉnh Hải Vân là cảnh đoàn sinh viên Mỹ họp nhau trước cửa ải để cất tiếng hát Lên đàng



Nào anh em ta cùng nhau xông pha lên đàng

Kiếm nguồn tươi sáng

Ta nguyện đồng lòng điểm tô non sông

Từ nay ra sức anh tài



Tiếng hát vang trên nền thành quách cổ, những lời ca còn ngọng nghịu dù đã tập đi tập lại nhiều lần nay được dịp vang vọng trên đỉnh đèo Hải Vân quanh năm mây phủ. Tôi nghĩ, đó là một trong những giây phút ấn tượng nhất của chuyến cross-country, trong số đó có 2 sinh viên người Mỹ gốc Việt.



Đó là vào thời điểm cuối thập niên 90. Giờ thì lớp sinh viên đó đều đã trưởng thành, có người đã trở thành tiến sĩ, người là doanh nhân thành đạt, thậm chí có người đã trở lại Việt Nam để kinh doanh và sinh sống [2]. Tôi nghĩ, không ít thì nhiều, những tháng ngắn ngủi trên đất Việt đã để lại cho họ nhiều cảm xúc buồn vui nhưng quan trọng hơn cả là tình người không biên giới. 




Đoàn sinh viên trước cửa Ải Vân



Ở miền Trung, kể từ khi đường hầm Hải Vân đưa vào hoạt động đã giảm hẳn tai nạn giao thông trên đèo và biến đường đèo này thành một địa điểm du lịch. Người ta lại bắt đầu chú ý đến hai đường đèo đi qua tỉnh Thừa Thiên - Huế, đó là Phước Tượng và Phú Gia.



Hầu như tài xế nào khi đi qua đây đều “ngán” với độ dốc và cua tay áo của các đèo này. Đã có những tài xế do không quen địa hình, do bất cẩn, phản ứng không kịp khi gặp chướng ngại vật và phải trả giá bằng những vụ lật xe. Khi lên đèo, những chiếc xe chở nặng nếu tụt dốc có thể rơi xuống vực sâu khoảng 30 mét trên đèo Phú Gia.




Đèo Phú Gia



Đèo Phước Tượng cũng là nỗi ám ảnh đối với người điều khiển xe tải, xe container và xe chở khách. Điều đáng nói các vụ tai nạn xảy ra trên đèo đều ở tại những khúc cua gắt dù ngành giao thông đã xây dựng hệ thống lan can bảo vệ bằng bê tông nhưng móng lan can thiếu kiên cố nên dễ dàng bị ôtô húc đổ khi xảy ra va chạm.




Tai nạn trên đèo Phước Tượng



Rời cố đô Huế với sông Hương, núi Ngự, chúng tôi tiến dần ra phía Bắc, vẫn theo Quốc lộ 1A, để qua một ngọn đèo nổi tiếng qua thi ca từ ngày tôi còn mài đũng quần trên ghế nhà trường. Từ vua Lê Thánh Tông, Cao Bá Quát, Nguyễn Văn Siêu, Ngô Thì Nhậm cho đến Bà huyện Thanh Quan đều có những vần thơ ca tụng ngọn đèo:



Bước tới Đèo Ngang bóng xế tà

Cỏ cây chen đá, lá chen hoa

Lom khom dưới núi tiều vài chú

Lác đác bên sông chợ mấy nhà.



Thưở học trò hầu như ai cũng thuộc bài thơ Qua Đèo Ngang của Bà huyện Thanh Quan. Khi đó còn ngồi trong 4 bức tường của lớp học tôi đã để trí tưởng tượng được đến vùng đất xa xôi Quảng Bình – Hà Tĩnh để chiêm ngưỡng bức tranh thủy mạc mà bà huyện đã vẽ cảnh Đèo Ngang. Thật tình mà nói, lần đầu tiên qua Đèo Ngang cảm giác giữa mộng và thực khác nhau quá xa…



Đèo Ngang cũng chỉ như các ngọn đèo khác với độ dài 6 km, cao khoảng 250 m, xuyên qua dãy Hoành Sơn là ranh giới giữa huyện Quảng Trạch thuộc tỉnh Quảng Bình ở phía Nam và huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh, phía Bắc. Thời nay làm gì còn có cảnh những chú tiều phu lom khom đốn củi dưới núi, bên bờ sông Gianh cũng không phải chỉ là mấy nhà nằm lác đác quanh chợ.



Đèo Ngang xưa kia đây là ranh giới giữa Đại Việt và Chiêm Thành, đến thời Pháp thuộc mang tên Porte d'Annam trên bản đồ. Với người xưa, đây là vùng đất hiểm yếu, từng được mệnh danh là “bức tường thành”, là “phên dậu” phía Nam của nước Đại Việt. Ngày nay, trên đỉnh đèo Ngang, cửa quan lớn mang tên “Hoành Sơn quan” (xây dựng dưới triều vua Minh Mạng) vẫn còn nguyên vẹn cùng hai bức tường đá lớn chạy theo hai hướng: vào núi và xuống biển.   



Năm 1833, vua Minh Mạng cho xây dựng “Hoành Sơn Quan” ở đỉnh Đèo Ngang và cho khắc hình vào Cửu Đỉnh (Huyền Đỉnh). Hoành Sơn Quan cao hơn 4m, hai bên có thành dài hơn 30 m, trên cửa thành đắp nổi ba chữ “Hoành Sơn Quan”. Hai phía Bắc - Nam của Hoành Sơn Quan có đường dẫn là các bực thang. Hoành Sơn Quan vẫn còn, tuy không nguyên vẹn nhưng vẫn sừng sững, uy nghi, phong trần nơi đầu núi hướng ra biển, là chứng tích của một thời kỳ lịch sử.



Đứng trên đỉnh đèo Ngang nhìn về phía Đông ta sẽ thấy màu xanh bao la của biển. Xa xa là Mũi Ròn, Vũng Chùa, Hòn La và hàng loạt đảo nhỏ, lô nhô trên sóng nước. Nhìn về phía rừng là vách núi chênh vênh bên cạnh những đồi nhỏ nhấp nhô. Thấp thoáng sau hàng dừa, rặng phi lao là những mái ngói đỏ tươi, mái rạ sẫm màu của những làng chài, xóm núi.




Đèo Ngang



Gần đèo Ngang về phía Quảng Bình có đền thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Đây là một trong những di tích kiến trúc - nghệ thuật - tôn giáo thờ Mẫu tiêu biểu của Việt Nam. Ngoài ra, khu vực đèo Ngang còn có các bãi tắm như Hòn La, Quảng Đông, Cảnh Dương với những rừng dương xanh, bãi cát vàng. Các đảo ở ngoài khơi như đảo Hòn La, Hòn Vụng Chùa, Hòn Cỏ, Hòn Gió, đảo Yến ... là những thắng cảnh thu hút nhiều du khách



Đảo Hòn La và Đèo Ngang đã hợp thành một quần thể thắng cảnh thiên nhiên tuyệt mỹ. Một bên là núi đèo nhấp nhô, một bên là những bãi biển sạch, đẹp trải dài  thoai thoải. Nơi đây đã được quy hoạch thành khu du lịch Đèo Ngang-Hòn La nằm ở phía Bắc Quảng Bình với cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ và thơ mộng.



Dưới chân đèo phía Bắc xưa kia là cửa biển Xích Mộ. Nay cửa biển đã bị bồi lấp. Ngược lên phía Tây, dưới chân đèo là một hồ nước trong xanh khá rộng. Ngược về phía Bắc đèo khoảng 3 km là Đèo Con, lại một cái tên bình dị với vỏn vẹn một chữ trong số những ngọn đèo mà chúng tôi đã đi qua như Đèo Chuối, Đèo Cả, Đèo Ngang…



Tuy thấp hơn đèo Ngang nhưng vị trí nơi đây thật đẹp vì nằm sát ngay bãi biển Đá Nhảy với một bãi đá lớn từ núi ăn lan ra biển, nhấp nhô với nhiều hình dạng khác nhau. Gần bãi tắm Đèo Con là đền thờ bà Bích Châu (hay còn gọi là đền thờ Bà Hải). Núi Cao Vọng, cùng với núi Ô Tôn, núi Bàn Độ, Vũng Áng đã tạo thành một quần thể du lịch Bắc đèo Ngang.




Đèo Con
Chú thích:

[1] Vụ thảm sát Mỹ Lai (Sơn Mỹ) là một trong những biến cố đẫm máu trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam. Vào ngày 16/3/1968 tại khu vực thôn Mỹ Lai thuộc làng Sơn Mỹ, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi, các đơn vị lính Lục quân Hoa Kỳ đã thảm sát hàng loạt 504 dân thường, trong đó phần lớn là phụ nữ và trẻ em.

Vụ việc đã bị che giấu cho tới cuối năm 1969 và ngoại trừ một chỉ huy cấp trung đội thì không có bất cứ sĩ quan hay binh lính Hoa Kỳ nào bị kết tội sau vụ thảm sát này. Đại đội Charlie thuộc Tiểu đoàn số 1, Trung đoàn bộ binh số 20, Lữ đoàn bộ binh số 11, Sư đoàn bộ binh số 23, Lục quân Hoa Kỳ, tới Nam Việt Nam tháng 12/1967.

Đại đội Charlie đổ bộ vào làng Sơn Mỹ. Trung đội của thiếu úy William Calley bắt đầu xả súng vào các “địa điểm tình nghi có đối phương”, những người dân thường đầu tiên bị giết chết hoặc bị thương bởi các loạt đạn này. Sau đó lính Mỹ bắt đầu hủy diệt tất cả những gì chuyển động, người, gia súc, gia cầm...

Trong tiếng Anh, vụ thảm sát này có tên My Lai Massacre, Son My Massacre hoặc Pinkville, trong đó Pinkville là địa danh của quân đội Hoa Kỳ đặt cho khu vực Mỹ Lai. Sự kiện thảm khốc này đã gây sốc cho dư luận Mỹ, Việt Nam và thế giới, hâm nóng phong trào phản chiến và là một trong những nguyên nhân dẫn tới sự triệt thoái của quân đội Hoa Kỳ khỏi Việt Nam năm 1972.

Ngày 19/8/2009, trong bài phát biểu tại Kiwanis Club, Greater Columbus, lần đầu tiên William L. Calley công khai lên tiếng xin lỗi nạn nhân. Ông nói: “Không một ngày nào trôi qua mà tôi không cảm thấy hối hận vì những gì đã xảy ra ngày hôm đó tại Mỹ Lai”.

Ngày nay, tại Sơn Mỹ có một trung tâm tư liệu: Khu chứng tích Sơn Mỹ. Bên cạnh làng cũ là 2 tòa nhà: 1 trường học và 1 trung tâm văn hóa, được xây dựng và tài trợ bởi cựu quân nhân Hoa Kỳ trong Chiến tranh Việt Nam.

[2] Tham khảo: Mme Mir & L. Cadière, “Les européens qui ont vu le vieux Huế: Thomas Bowyear”, 1920, trang 194.

[3] Tham khảo về đoàn sinh viên Mỹ School for International Training (SIT) tại Việt Nam qua bài viết Chuyện một người Mỹ thích… mắm tôm trên Blogspot:

*********************

Đây là bài thứ 5, và cũng là cuối cùng, trong loạt bài Những cái tên bình dị về Núi & Đèo trải dài suốt đoạn đường thiên lý từ Nam ra Bắc. Đoạn cuối cùng của hành trình xuyên Việt lên miền Tây Bắc chúng vượt qua nhiều đèo nhưng nổi bật nhất phải kể đến 4 ngọn đèo nổi tiếng: Pha Đin, Ô Quy Hồ, Mã Pí Lèng và Khau Phạ.

Những cái tên của “tứ đại đèo” này mang âm hưởng ngôn ngữ của dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng Tây Bắc. Chẳng hạn như đèo Pha Đin có xuất xứ từ tiếng Thái, “Phạ Đin”, trong đó “Phạ” nghĩa là “trời”, “Đin” là “đất”. Đèo Pha Đin, theo nghĩa ẩn dụ, chính là nơi giao hòa giữa trời và đất.

Đèo Pha Đin là ranh giới giữa Lai Châu (ngày nay là tỉnh Điện Biên) và Sơn La. Chuyện xưa kể rằng giữa hai địa phương này có cuộc thi của hai chàng trai trẻ trên lưng ngựa. Họ xuất phát từ hai đầu của ngọn đèo và chỗ hai người gặp nhau chính là ranh giới giữa Lai Châu và Sơn La. Kết quả, Lai Châu phi nhanh hơn nên được phần đèo dài hơn Sơn La. 

Ngày nay, ranh giới của đèo Pha Đin một phần thuộc xã Phỏng Lái, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La và một phần thuộc xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên. Điểm cao nhất của đèo là 1.648 mét so với mực nước biển và được bảng cảnh báo trước khi vào đèo: “dốc cao, vực sâu, rất nguy hiểm” .

Bảng báo hiệu trước khi vào đèo Pha Đin

Đèo Pha Đin dài 32 km trên Quốc lộ 6, nằm trong hệ thống cao nguyên Tả Phìn, lại một cái tên của người dân tộc thiểu số. Địa thế đèo rất hiểm trở, chênh vênh giữa một bên là vách núi và một bên là vực sâu. Độ dốc của Pha Đin thay đổi từ 10% đến 15%, đường đèo có đến gần 10 khúc cua gắt trong đó có nhiều đoạn hẹp đến độ xe cộ chỉ có thể gần như lưu thông một chiều.

Trong kháng chiến chống Pháp, Pha Đin là một trong những tuyến huyết mạch để tiếp vận vũ khí, đạn dược và lương thực cho chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 của Việt Minh. Có đến khoảng 8.000 “thanh niên xung phong”, tên gọi các dân công, đã vượt đèo để tiếp tế cho mặt trận Điện Biên Phủ.

Quốc lộ 6 và đèo Pha Đin đã chịu đựng những trận oanh tạc của người Pháp, liên tục hơn một tháng, trước khi vào trận Điện Biên Phủ, dân công chịu tổn thất nặng nề. Ngày nay, trên đỉnh đèo có một tấm bia ghi lại dấu ấn lịch sử và Tố Hữu, trong bài Hoan hô chiến sĩ Điện Biên, ca ngợi “thanh niên xung phong”:  

Dốc Pha Đin chị gánh anh thồ
Đèo Lũng Lô anh hò chị hát
Dù bom đạn xương tan thịt nát
Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh

Ngày nay, Pha Đin rất ít xe cộ lưu thông nên ngọn đèo lịch sử này chỉ còn là một điểm đến đối với những người thích phiêu lưu mạo hiểm. Đứng trên dốc đèo phía tỉnh Điện Biên sẽ thấy thung lũng Mường Quài trải rộng một màu xanh ngút ngàn của đồi núi, thấp thoáng bản làng, nhưng khi lên đến gần đỉnh đèo thì chỉ còn mây và núi quyện vào nhau.

Tai nạn trên đèo Pha Đin

Nằm giữa Lào Cai và Lai Châu là đèo Ô Quy Hồ, được mệnh danh là ngọn đèo “hoành tráng nhất” khu vực Tây Bắc. Đèo Ô Quy Hồ còn có rất nhiều tên: đèo Hoàng Liên hay đèo Hoàng Liên Sơn do đèo vượt qua dãy núi Hoàng Liên Sơn, hoặc đèo Mây do trên đỉnh đèo quanh năm mây phủ. Theo người Mông, cái tên Ô Quy Hồ xuất phát từ một loài chim có tiếng kêu thảm thiết gắn liền với huyền thoại câu chuyện tình dang dở của một đôi trai gái.

Đèo Ô Quy Hồ nằm trên Quốc lộ 4D với 2/3 thuộc tỉnh Lai Châu và phần còn lại thuộc phía Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Đây là một con đèo giữ kỷ lục về độ dài, gần 50 km, có độ cao 2.000 mét nên được gọi là “vua đèo vùng Tây Bắc”. Đèo uốn lượn quanh dãy Hoàng Liên Sơn, nơi có “nóc nhà Đông Dương” – đỉnh Fanxipan cao 3.143 m.

Ngày xưa, đèo Ô Quy Hồ đầy hiểm trở, ít người dám qua lại vì đường quá dài lại có nhiều câu chuyện đường rừng, đại loại như hổ thần rình bắt người, khiến người đi qua phải rùng mình. Ngày nay, đường đèo được sửa sang và lượng xe cộ qua lại tấp nập. Để đi từ Hà Nội đến Lai Châu, chúng tôi đi bằng xe lửa đến Lào Cai và từ đó theo đường bộ vượt đèo Ô Quy Hồ.

Đèo Ô Quy Hồ

Vào mùa đông, đỉnh đèo Ô Quy Hồ có thể phủ băng tuyết và Sa Pa lả thị trấn duy nhất tại Việt Nam có hiện tượng cây cối, cảnh vật khoác một lớp băng giá như những khu vực hàn đới trên thế giới. Từ Sa Pa đi thăm Thác Bạc cách thị trấn khoảng 12 km, vượt qua cổng vườn quốc gia Hoàng Liên Sơn, đi thêm vài cây số là đã lên đến đỉnh đèo Ô Quy Hồ với mây núi ngút ngàn nên còn được gọi là Cổng Trời. Phong cảnh thật thi vị nhưng đèo Ô Quy Hồ cũng là một thử thách đối với các tài xế đường dài.

Sa Pa được coi như Đà Lạt của vùng Tây Bắc với những cơn gió lạnh cắt da cắt thịt, cả ngày sương mù bao phủ, tầm nhìn không quá 2 m và núi rừng chìm ngập trong mây. Vào mùa hè, nếu bên đèo Sa Pa khí hậu mát mẻ trong lành thì bên đèo Tam Đường, những cơn nóng khô hanh sẽ thiêu đốt mặt đất, suối khô kiệt nước và những thảm cỏ xanh cằn cỗi dưới ánh mắt trời.

Phần lớn các dân tộc như Mông, Dao, Tày, Giáy cư trú tại Sa Pa đều sống dọc theo thung lũng Mường Hoa, nơi mà con sông Mường Hoa bắt nguồn từ những con suối nhỏ từ đỉnh núi Fanxipan. Nước từ con sông giúp cho cộng đồng người thiểu số tại đây canh tác nông nghiệp qua những thửa ruộng “bậc thang” trên đồi núi.

Bản làng của người thiểu số thường cách khá xa trung tâm thị trấn Sa Pa, muốn đi tới chợ bằng đường mòn thường mất khoảng nửa ngày. Cũng vì thế, người ta thường phải đi từ thứ Bảy và ngủ qua đêm tại thị trấn để dễ dàng cho buôn bán vào phiên chợ ngày Chủ nhật. Đêm thứ Bảy thường rất là náo nhiệt, người già đi thăm hỏi bạn bè, lớp trẻ có cơ hội để tiếp xúc và làm quen với bạn khác giới.

Điểm đặc biệt là mọi người kết bạn qua tiếng khèn, tiếng sáo trong đó có chứa đựng tình cảm mà của họ muốn thổ lộ. “Chợ Tình” chính là nơi trai gái làm quen và được duy trì khá lâu cho tới ngày nay vẫn là hoạt động thu hút nhiều khách du lịch. Có điều những phiên Chợ Tình thời “văn minh” mất hẳn bầu không khí hoang dã ngày nào. Thay vào đó là những tiện nghi vật chất như thanh niên nam nữ đến đây bằng xe gắn máy và âm nhạc thì đã có máy cassette làm nhiệm vụ… 

Chợ Tình Sa Pa

Có người cho rằng Mã Pí Lèng xứng đáng được xem là “đại vực” của Việt Nam. Thuộc địa phận ba xã Pải Lủng, Pả Vi và Xín Cái, huyện Mèo Vạc, nằm trên quốc lộ 4C nối hai huyện Đồng Văn và Mèo Vạc. Mã Pí Lèng với chiều dài 20 km, cao đến hơn 2.000 m là con đèo hùng vĩ và hoang dại bậc nhất trong các đèo nổi tiếng vùng Tây Bắc.

Mã Pí Lèng là tên gọi theo tiếng Quan Hỏa, có nghĩa “sống mũi con ngựa”. Theo nghĩa bóng, tên gọi này chỉ sự hiểm trở của đỉnh núi, nơi những con ngựa cái leo lên đến đỉnh đèo bị trụy thai mà chết, nơi dốc cao đến độ ngựa đi qua phải tắt thở, hoặc đỉnh núi dựng đứng như… sống mũi con ngựa.

Ngày xưa, người Mèo (H’mong) thuộc 4 huyện ở phía sau các dãy núi hùng vĩ của cao nguyên Đồng Văn không có khái niệm về đường xá. Họ chỉ biết vượt Mã Pí Lèng bằng cách đóng cọc, treo dây trên vách đá để bò qua chín khoanh đèo hun hút, lởm chởm đá tai mèo dựng đứng. Dốc Chín Khoanh leo tới đỉnh Mã Pí Lèng còn gọi là con dốc của Giàng (Trời). Chính nơi đây từng là giang sơn nơi Vua Mèo treo những phần tử chống đối lên cột cho đến chết và sau vua Mèo là nạn thổ phỉ hoành hành.

Cảnh quan khu vực này lởm chởm đá dựng, vực sâu sông Nho Quế như xẻ đôi một bên là đỉnh Mã Pí Lèng và một bên là Săm Pun (Sam Pun), nơi có cột mốc biên giới và cửa khẩu thông thương từ Xín Cái sang Điền Bồng, Trung Quốc. Các học giả Pháp, từ cả trăm năm trước, đã gọi đỉnh Mã Pí Lèng nói riêng và Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn nói chung là một “Tượng đài Địa chất”.

Đèo Mã Pí Lèng thuộc tỉnh Hà Giang nằm trên con đường mang tên Đường Hạnh Phúc nối liền thành phố Hà Giang, Đồng Văn và thị trấn Mèo Vạc. Con đường dài khoảng 200 km này được hàng vạn thanh niên xung phong thuộc 16 dân tộc của 8 tỉnh miền Bắc xây dựng trong 6 năm (1959-1965) với trên 2 triệu lượt ngày công lao động. Riêng đoạn đèo vượt Mã Pí Lèng được các thanh niên trong đội cảm tử treo mình trên vách núi, lấn từng bước một để làm trong 11 tháng.

Đứng trên đỉnh đèo, người ta có thể phóng tầm mắt trước những núi đá nối tiếp nhau trải dài ngút mắt, mơ màng trong sương, mang nét chấm phá như tranh thủy mạc. Ngay dưới chân lại là vực sâu hoắm mù mây, con sông Nho Quế dưới lòng vực như một sợi chỉ mong manh vắt qua thung lũng.

Đèo Mã Pí Lèng

Có nhiều người lại coi đèo Mã Phục là đường đèo đẹp nhất trong các con đèo trên trục đường Quốc lộ 3 từ Phủ Lỗ đến cửa khẩu Tà Nùng, cách Cao Bằng 22 km. Đường đèo Mã Phục không rộng và không nguy hiểm lắm. Phía Nam con đèo đường vòng vèo lên dốc tới 4 tầng, nhưng khi lên tới đỉnh đèo thì phía Bắc chỉ có 2 cái dốc với một khúc cua, đổ dốc phía Bắc là vào địa phận huyện Trùng Khánh.

Núi không cao, không hùng vĩ, không hoành tráng, Mã Phục chỉ có những khúc cua tay áo nhưng phong cảnh thật hữu tình, lãng mạn bởi cái thung lũng bên dưới với ruộng nương, bản làng, chỗ xanh xanh màu cây cỏ, chỗ nâu màu đất làm thành bức tranh thiên nhiên đẹp thanh bình.

Nhiều người giải thích tên đèo Mã Phục hàm ý ngựa đi trên đèo cũng phải gục ngã (?) gợi nhớ đến cái cảnh thời ngựa thồ hàng hoá lên biên giới, đến con đèo này, ngựa khoẻ cũng phải chồn chân. Ngày nay, xe cộ lưu thông khá dễ dàng trên đèo Mã Phục, vượt 3 tầng đường và 3 khúc cua gắt. Đứng ở tầng đường thứ 3, đoạn nhô ra cao nhất với tầm nhìn khoáng đãng nhất, du khách sẽ thấy quang cảnh ruộng nương, bản làng phía xa xa và bắt đầu cảm thấy cái đẹp của đèo Mã Phục.

Đèo Mã Phục

Đèo Khau Phạ là đèo hiểm trở và dài nhất trên tuyến quốc lộ 32 với độ dài trên 30 km trong khu vực giáp giới giữa huyện Văn Chấn và huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái. Đèo Khau Phạ đi qua nhiều địa danh nổi tiếng như La Pán Tẩn, Mù Cang Chải, Tú Lệ, Chế Cu Nha, Nậm Có… có độ cao từ 1.200 m đến 1.500 m.

Trước năm 1945, du kích Khau Phạ đã lợi dụng địa hình và nương theo mây gió quánh đặc trên đèo, “xuất quỷ nhập thần”, liên tục đánh chặn các cuộc hành quân của Pháp từ Nghĩa Lộ đi Lai Châu, Lào Cai bằng súng kíp hoặc bẫy đá. Người Pháp gọi họ “những chiến binh mây mù”…

Khau Phạ, tiếng Thái là Sừng Trời, hàm ý chiếc sừng núi đâm lên tận trời xanh, cho nên đôi khi còn được gọi là Cổng Trời. Người H'Mông coi đèo Khau Phạ là nơi linh thiêng có thể than thấu lòng trời, nên mỗi khi gặp chuyện chẳng lành, mùa màng thất bát, họ lại kéo nhau tới Khau Phạ để khấn Giàng.

Đèo Khau Phạ, một trong những đường đèo quanh co và dốc đứng bậc nhất Việt Nam, có điểm khởi đầu là đoạn cắt Quốc lộ 32 với Quốc lộ 279 liền mạch liên tiếp với đèo Chấu phía trước nó và đèo Vách Kim phía sau trên Quốc lộ 32.

Từ thành phố Yên Bái, ngược quốc lộ 32 chừng 5 giờ đồng hồ, qua xã Tú Lệ, đèo Khau Phạ huyện Mù Cang Chải hiện ra giữa một vùng cao nguyên được bao quanh bởi những dãy núi điệp trùng. Những cung đường đèo quanh co giữa những cánh rừng già còn mang đậm nét nguyên sơ và những triền ruộng bậc thang của các dân tộc H'Mông, Thái.

Đèo Khau Phạ

Bà huyện Thanh Quan đã đem vào kho tàng thi ca Việt Nam bài thơ Qua Đèo Ngang, nhưng bà cũng không phải là người duy nhất đã đưa đường đèo vào văn chương. Chúng ta còn có “Bà chúa thơ nôm” Hồ Xuân Hương [*] cũng dùng hình tượng những ngọn đèo nhưng lại để tả chân chuyện trần tục chứ không tả cảnh lãng mạn như Bà huyện Thanh Quan:

Một đèo, một đèo, lại một đèo,
Khen ai khéo tạc cảnh cheo leo.
Cửa son đỏ loét tùm hum nóc,
Hòn đá xanh rì lún phún rêu.
Lắt lẻo cành thông cơn gió thốc,
Đầm đià lá liễu giọt sương gieo.
Hiền nhân, quân tử ai là chẳng ...
Mỏi gối, chồn chân vẫn muốn trèo.

Ngay từ câu đầu, tác giả nhắc đến 3 lần chữ đèo “Một đèo, một đèo, lại một đèo” không những là nghệ thuật láy chữ mà còn ám chỉ tới 3 đoạn đèo nằm giữa hai tỉnh Ninh Bình và Thanh Hóa. Đó là đèo Tam Điệp, tên gọi chính thức trong sử sách và địa lý cổ Việt Nam, chỉ con đường thiên lý từ Thăng Long vào phía Nam.

Đèo Tam Điệp là một tổ hợp đèo trên núi Tam Điệp, một dãy núi nằm giữa Ninh Bình và Thanh Hóa, chạy ra biển theo hướng tây bắc – đông nam, có 3 đường đèo nên còn có tên là Đèo Ba Dội với hàm ý ba đợt hoặc ba lớp…

Ba đèo bao gồm đèo phía Bắc cao khoảng 90 m, đèo phía Nam thấp hơn và đèo giữa là con đường thiên lý cổ băng qua đỉnh núi cao nhất và cũng là đỉnh đèo cao nhất (khoảng 110 m). Ở đây có tấm bia khắc bài thơ Quá Tam Điệp sơn của vua Thiệu Trị làm năm 1842 khi đi tuần du qua núi Tam Điệp. Ngày nay, con đường thiên lý cổ chỉ còn là một lối mòn nhỏ, nhiều chỗ cây cối mọc um tùm.

Trước kia đèo giữa là nơi phân ranh giới giữa hai trấn Thanh Hoa nội và Thanh Hoa ngoại đời Hậu Lê, giữa hai tỉnh Ninh Bình và Thanh Hóa đời nhà Nguyễn. Nhưng ngày nay, do phân chia lại địa giới, đèo giữa và đèo phía nam thuộc đất thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa. Chỉ còn đèo phía bắc thuộc thị xã Tam Điệp.

Như vậy, đường thiên lý cổ từ Thăng Long đi đến thị xã Tam Điệp, đến đền Dâu, cách Hà Nội 111 km, thì đi vòng về phía đông nam quốc lộ 1A ngày nay, lách qua một số núi đá vôi để vượt qua ba đỉnh đèo Tam Điệp, đến đền Sòng tiếp tục đi vào đồng bằng Thanh Hóa. Đền Dâu và đền Sòng là 2 đầu của cái võng đường Thiên lý cổ qua đèo Tam Điệp. Đoạn võng này dài hơn đoạn đường Quốc lộ nắn thẳng ngày nay từ đền Dâu đến đền Sòng khoảng gần 5 km.

Hóa ra bài thơ Đèo Ba Dội, còn có tên là Vịnh ba đèo, của Hồ Xuân Hương vừa thực lại vừa giả. Thực ở chỗ bà đã phải vượt cả ba ngọn đèo Tam Điệp và giả ở lối mô tả “đem thiên nhiên vào cơ thể con người”:

Cửa son đỏ loét tùm hum nóc,
Hòn đá xanh rì lún phún rêu.

Và kết luận bằng một triết lý rất “đời thường”:

 Hiền nhân, quân tử ai là chẳng ...
Mỏi gối, chồn chân vẫn muốn trèo.

Xin được kết thúc loạt bài về những cái tên bình dị của Núi & Đèo bằng một bức ảnh tôi tình cờ gặp được trên Internet. Bức ảnh rất… “tươi mát” với 4 câu thơ “nhại” của nữ sĩ Hồ Xuân Hương và ký tên Lonely. Tôi nghĩ, tác giả những câu thơ này không Cô Đơn như biệt danh đã chọn, ngược lại, rất nhiều người chia sẻ với anh, trong đó có tôi.

Hình tượng hóa và nhại lại bài thơ ‘Đèo Ba Dội’ của Hồ Xuân Hương

***

Chú thích:

 [*] Hồ Xuân Hương là nhà thơ Nôm nổi tiếng (1772-1822). Bà đã để lại nhiều bài thơ độc đáo với phong cách thơ vừa thanh vừa tục và được mệnh danh là Bà chúa thơ Nôm. Hồ Xuân Hương được coi là một trong những nhà thơ tiêu biểu của văn học Việt Nam.

Tiểu sử của Hồ Xuân Hương đến nay vẫn còn nhiều điểm gây tranh cãi; thậm chí có một vài ý kiến còn cho rằng những bài thơ được xem là của Hồ Xuân Hương hiện nay do nhiều người sáng tác, nghĩa là không có ai thực sự là Hồ Xuân Hương. Dựa vào một số tài liệu lưu truyền, những bài thơ được khẳng định là của Hồ Xuân Hương, các nhà nghiên cứu đã tạm thừa nhận một số kết luận bước đầu về tiểu sử của nữ sĩ:

Hồ Xuân Hương thuộc dòng dõi họ Hồ ở làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Đây là một dòng họ lớn có nhiều người đỗ đạt và làm quan nhưng đến đời Hồ Phi Diễn - thân sinh của bà - thì dòng họ này đã suy tàn.

Theo các nhà nghiên cứu đầu tiên về Hồ Xuân Hương như Nguyễn Hữu Tiến, Dương Quảng Hàm thì bà là con ông Hồ Phi Diễn (sinh 1704) ở làng Quỳnh Ðôi, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An. Ông thi đậu tú tài năm 24 tuổi dưới triều Lê Bảo Thái. Nhà nghèo không thể tiếp tục học, ông ra dạy học ở Hải Hưng, Hà Bắc, để kiếm sống. Tại đây ông đã lấy cô gái Bắc Ninh, họ Hà, làm vợ lẽ - Hồ Xuân Hương ra đời là kết quả của mối tình duyên đó.

Bà xuất thân trong một gia đình phong kiến suy tàn, song hoàn cảnh cuộc sống đã giúp nữ sĩ có điều kiện sống gần gũi với quần chúng lao động nghèo, lăn lộn và tiếp xúc nhiều với những người phụ nữ bị áp bức trong xã hội.

Bà là một phụ nữ thông minh, có học nhưng học hành cũng không được nhiều lắm, bà giao du rộng rãi với bạn bè nhất là đối với những bạn bè ở làng thơ văn, các nhà nho. Nữ sĩ còn là người từng đi du lãm nhiều danh lam thắng cảnh của đất nước.

Là một phụ nữ tài hoa có cá tính mạnh mẽ nhưng đời tư lại có nhiều bất hạnh. Hồ Xuân Hương lấy chồng muộn mà đến hai lần đi lấy chồng, hai lần đều làm lẽ, cả hai đều ngắn ngủi và không có hạnh phúc. (Nhưng theo tài liệu của GS Hoàng Xuân Hãn và ông Lê Xuân Giáo thì nữ sĩ có tới 3 đời chồng chứ không phải hai: Tổng Cóc, quan Tri phủ Vĩnh Tường, và cuối cùng là quan Tham hiệp trấn Yên Quảng Trần Phúc Hiển).

Có thể thấy Hồ Xuân Hương không phải là một phụ nữ bình thường của thời phong kiến mà bà đã có một cuộc sống đầy sóng gió.

(Nguồn: Wikipedia)

Nữ sĩ Hồ Xuân Hương

1 nhận xét:

Bấm vào dưới avata "Tham gia trang web này " để có thể biết bài mới của Ròm