Nam Ròm




Hình xưa VNCH
Tin tức đó đây
Sách xưa thời VNCH
Hình vui Ảnh đẹp
Thơ vui, chuyện tiếu mẹo vặt linh tinh ....

Thứ Sáu, 23 tháng 11, 2012

Limelight : 60 năm bộ phim Ánh đèn màu của Chaplin

Limelight : 60 năm bộ phim Ánh đèn màu của Chaplin
Charlie Chaplin lúc mới đến Mỹ lập nghiệp (charliechaplin.com)
Charlie Chaplin lúc mới đến Mỹ lập nghiệp (charliechaplin.com)
Tuấn Thảo
Mới đó mà đã 60 năm ngày ra đời của tác phẩm Limelight (Ánh đèn màu), một trong những bộ phim hay nhất của Charlie Chaplin. Sinh trong một gia đình nghèo người Anh, cha mẹ chuyên đi hát rong, có lẽ không bao giờ vua hề Charlot lại quên thân phận nguyên quán, cái nguồn gốc xuất xứ của một kẻ cơ cực bần hàn.
Bằng chứng là vào năm 1954, lúc ông bắt đầu cuộc sống tha hương bên Thụy Sĩ, Charlie Chaplin đã ký tặng một ngân phiếu trị giá hai triệu quan Pháp (một khoản tiền lớn so với thời bấy giờ) cho hội từ thiện Emmaüs, sau khi tu sĩ Pierre ngỏ lời thống thiết kêu gọi mọi người giúp đỡ thành phần vô gia cư, giữa cơn lạnh mùa đông khắc nghiệt.
https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEijfIouQ6dy4I2iwbHtBsH_JRDQuFwflwxzP9E4sIDUqH7LrLlFcsiAI39e5W1qWU1czsTjC2X0ZysMQo3oklVdKvYxRn_mg2TU2hr-v4tLZe2A1ZRHnqoj1vPB-N5H9usKYfL1PMYTDA/s1600/CharlieChaplin.jpg

Khi được hỏi vì sao ông lại hào phóng như vậy, Charlie Chaplin thành thật trả lời : Đây không phải là tiền tôi cho, mà là món tiền tôi trả lại, để đền đáp tất cả những gì mà cuộc đời đã ban tặng cho tôi, một thằng ăn mày trên màn ảnh lớn, không thể nào cực khổ bằng những kẻ ăn xin có thật ở ngoài đời. Tình người và lòng nhân hậu thường bàng bạc xuyên suốt trong tác phẩm của Charlie Chaplin, tiêu biểu nhất là hai cuộn phim The Kid (Thằng Nhóc) và Limelight (Ánh đèn màu, có nhiều người dịch thành Ánh đèn Sân khấu).
Qua đời tại Thụy Sĩ năm 1977, năm 2012 là đúng 35 năm ngày giỗ của ông, Charlie Chaplin đã để lại trên dưới 90 tác phẩm, trong đó có 7 bộ phim còn dang dở. Không phải ngẫu nhiên mà Viện Phim ảnh Hoa Kỳ (American Film Institute) từng xếp vua hề Charlot vào danh sách 10 huyền thoại điện ảnh sáng chói nhất mọi thời đại. Nhưng bên cạnh việc đạo diễn và đóng phim, Charlie Chaplin còn có cái tài soạn nhạc, phần lớn là do hoàn cảnh buộc ông phải trau dồi tay nghề nhiều hơn là một tài nghệ bẩm sinh thiên phú.
Thành danh ban đầu nhờ các bộ phim câm, Charlie Chaplin ngoài công việc chỉ đạo và diễn xuất còn phải sáng tác nhạc nền minh họa cho hầu hết những hình ảnh được chiếu trên màn ảnh lớn. Sau khi các tác phẩm điện ảnh gặt hái thành công, thì lúc đó các giai điệu chủ đề của các bộ phim mới được đặt thêm ca từ. Đó là trường hợp tiêu biểu của Weeping Willows, Mandolin Serenade và Now That It's Ended trong bộ phim A King In New York, Falling Star (phim The Great Dictator), You Are The Song (phim The Gentleman Tramp), Beautiful, Wonderful Eyes (phim City Lights), Sing A Song (phim Gold Rush),...
Smile - Nat King Cole - Ca khúc chủ đề của MODERN TIMES
Trên danh sách này, có hai bản nhạc rất quen thuộc và từng được chuyển dịch nhiều lần nhất vẫn là Smile, nhạc phẩm chủ đề của bộ phim Modern Times, từng ăn khách qua tiếng hát của Nat King Cole và ca khúc Eternally của tác phẩm điện ảnh Limelight. Còn bài This is my song (trích từ phim A Countess from Hong Kong) giúp cho Petula Clarck chiếm hạng nhất thị trường Anh, hạng ba thị trường Hoa Kỳ.
Limelight trong tiếng Anh, Les Feux de la Rampe trong tiếng Pháp, Candelijas trong tiếng Tây Ban Nha, tác phẩm này là bộ phim cuối cùng mà Charlie Chaplin đã thực hiện tại Hoa Kỳ, trước khi ông bắt đầu cuộc sống lưu vong tại Thụy Sĩ . Về nội dung, Limelight kể lại câu chuyện của một nghệ sĩ hài (Calvero), đã đến tuổi về già, đáng lẽ ra ông phải giã từ sàn diễn nhưng rốt cuộc vẫn còn lưu luyến ánh đèn sân khấu.
Calvero làm quen với một diễn viên múa ballet (Theresa Ambrouse, gọi thân mật là Terry), một thiếu nữ còn non tuổi đời, chưa vững tay nghề. Sự dìu dắt, nâng đỡ của người nghệ sĩ già cũng như tấm lòng nhân hậu của ông sẽ giúp cho tài năng của cô gái trẻ có cơ hội tỏa sáng. Vào đoạn cuối bộ phim, ngọn lửa thiêng do Calvero truyền nối, giúp cho Terry, tựa như thiên nga, chấp cánh bay cao. Sự thành công rực rỡ trên sân khấu của cô gái ở độ tuổi xuân xanh, cũng là lúc mà trong hậu trường, người nghệ sĩ bạc phơ tóc cước trút bỏ hơi thở cuối cùng.
Chính ở trong cái đoạn cuối này, mà khúc nhạc chủ đề bộ phim lại trỗi lên, mang ý nghĩa biểu tượng của sự chuyển giao tiếp nối. Charlie Chaplin đặt tựa ban đầu cho khúc nhạc này là Terry’s Theme (Giai điệu của Terry). Đến khi hai tác giả người Anh Geoff Parsons và John Turner đặt thêm ca từ, thì lúc đó bản nhạc mới có tựa đề là Eternally (Muôn thuở). Với thời gian tầm vóc của bộ phim trở nên lớn đến nỗi nhiều người gọi đó là bài Limelight, khi mà bộ phim và ca khúc chủ đề không còn được phân biệt.
Một khi bộ phim thành công, ca khúc chủ đề đã được chuyển dịch sang nhiều thứ tiếng. Riêng trong tiếng việt bài này có ít nhất là 4 lời khác nhau. Người đầu tiên đặt lời Việt cho bài này không phải là nhạc sĩ Phạm Duy mà lại là tác giả Nguyễn Xuân Mỹ dưới tựa Ánh đèn màu. Sau đó đến phiên hai tác giả Nguyễn Huy Hiển và Anh Hoa (Tình Tôi) cũng có cảm hứng đặt lời Việt cho bản nhac này. Về phần mình, tác giả Phạm Duy đặt hai lời khác nhau cho cùng một giai điệu : Ánh đèn sân khấu và Đời Ca nhi.
Đằng sau tác phẩm Limelight, có khá nhiều giai thoại ly kỳ, tình tiết hấp dẫn. Khi bắt tay thực hiện cuộn phim, Charlie Chaplin lúc đó đã ngoài 60 tuổi, linh tính là có nhiều chuyện không may sắp đến trong đời ông. Vào cái thời của chủ nghĩa chống cộng McCarthy tại Hoa Kỳ, Charlie Chaplin do có khuynh hướng thiên tả bị nhiều thành phần trong dư luận ghét bỏ, bị chụp mũ là có những hoạt động đi ngược lại với quyền lợi của nước Mỹ.
Khi được biết là Charlie Chaplin lên đường sang Anh Quốc để giới thiệu cuộn phim Limelight, giám đốc cơ quan FBI J. Edgar Hoover mới dùng tầm ảnh hưởng của mình, trực tiếp gọi điện cho Sở di trú để không cấp cho Charlie Chaplin quyền nhập cảnh trở lại Hoa Kỳ. Nhiếp ảnh gia nổi tiếng Richard Avedon là người chụp bức ảnh chân dung cuối cùng của Charlie Chaplin, có kể lại lần gặp mặt này trong quyển hồi ký của mình.
Một lần đi nhưng không biết bao giờ mới trở lại : kể từ năm 1953 trở đi, Charlie Chaplin cùng với gia đình chọn Thụy Sĩ làm nơi định cư cuối cùng. Ông sẽ tiếp tục quay phim : A King in New York vào năm 1957, và tác phẩm cuối cùng là A Countess from Hong Kong với cặp diễn viên Sophia Loren & Marlon Brandon trong vai chính. Nhưng hai tác phẩm này đều cho thấy là thời của Charlie Chaplin đã qua.
Chính cũng vì thế mà bộ phim Limelight không được trình chiếu rộng rãi vào năm 1952. Mãi đến 20 năm sau, ông mới đặt chân trở lại trên đất Mỹ nhưng chỉ để tham dự lễ trao giải Oscar. Ông nhận được một giải thưởng dành cho nhạc phim Limelight và đó cũng là giải Oscar duy nhất có đề cử và bình chọn. Hai giải Oscar khác chủ yếu là giải danh dự nhằm khen tặng thành tựu sự nghiệp của Charlie Chaplin. Đó là cái bối cảnh.
Còn về mặt nội dung, thì Limelight khiến cho nhiều người xem bồi hồi xúc động vì nó giống như một bản di chúc, một bức tâm thư của người nghệ sĩ nhìn lại những bước thăng trầm trong sự nghiệp và cuộc đời. Cho dù trong quyển hồi ký My Life in Pictures (Đời tôi qua phim ảnh, xuất bản năm 1974), Charlie Chaplin cho biết là ý tưởng viết kịch bản phim Limelight dựa vào cuộc đời của nghệ sĩ Frank Tierney, nhưng tất cả các nhà phê bình đều cho rằng Charlie Chaplin đã đưa rất nhiều chi tiết trong cuộc đời mình vào trong cuộn phim.
Theo đó, không phải ngẫu nhiên mà câu chuyện của Limelight diễn ra vào những năm 1913-1914 ở Luân Đôn. Đó là thời điểm mà Charlie Chaplin rời nước Anh sang Mỹ khởi đầu sự nghiệp điện ảnh với hãng phim Keystone. Limelight cũng là lúc Charlie Chaplin nói câu giã từ với nhân vật Charlot, vai nghệ sĩ hài Calvero trong phim, có nhiều nét giống với Charlot từ tướng mạo, y phục, cho đến trang điểm.
Bộ phim Limelight (Ánh đèn Sân khấu) cũng là một cách để cho nhà đạo diễn khép lại quyển sách của một thời đã qua, vì trong phim không chỉ có một mà lại có đến hai vua hề : Charlie Chaplin và Buster Keaton đều nổi danh trong thời kỳ hoàng kim của phim câm. Charlie Chaplin trong vai Charlot lúc nào cũng lạc quan yêu đời, còn Buster Keaton thì không bao giờ nở một nụ cười trên màn ảnh.
Báo chí thường nhắc đến sự cạnh tranh đối đầu giữa hai vua hề nổi danh hầu như cùng một thời, nhưng lại chóng quên rằng họ mến phục lẫn nhau. Tác phẩm Limelight ban đầu không có vai dành cho Buster Keaton, nhưng Charlie Chaplin đã viết hẳn một vai dành riêng cho đồng nghiệp, bởi vì vào đầu những năm 1950, diễn viên Buster Keaton bị sạt nghiệp, gia đình không còn, tài sản tiêu tan.
Nét đột phá của tác phẩm Limelight là trong một bộ phim có đối thoại, đạo diễn Charlie Chaplin đã khôi phục thời đại phim câm khi mà hai vua hề song diễn. Kẻ tung người hứng, một bên chơi vĩ cầm, bên kia đánh dương cầm, Cảnh quay không hề được viết trong kịch bản mà chỉ do hai vua hề biến tấu qua động tác, cử chỉ thành một màn phim để đời.
Ở trong những giây phút cuối cùng của bộ phim Limelight, Charlie Chaplin dựng cái chết của chính mình trên màn ảnh lớn, y hệt như khát vọng của biết bao nghệ sĩ, với cuộc đời dù năm chìm bảy nổi, nhưng đam mê ánh đèn màu đã ăn sâu vào thịt da xương tủy, tâm huyết nghiệp diễn một mạch tuôn chảy đến tận cùng huyết quản.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bấm vào dưới avata "Tham gia trang web này " để có thể biết bài mới của Ròm