Nam Ròm




Hình xưa VNCH
Tin tức đó đây
Sách xưa thời VNCH
Hình vui Ảnh đẹp
Thơ vui, chuyện tiếu mẹo vặt linh tinh ....

Thứ Năm, 4 tháng 10, 2012

NÓI VỀ CÂU ĐỐ DÂN GIAN

NÓI VỀ CÂU ĐỐ DÂN GIAN

Nếu ở các thể loại hát ví, trống quân thường diễn ra ở đình làng, sân bãi mang tính hội hè, tập thể thì với thể loại đố này chỉ diễn ra trong nhà, ngoài ngõ, mang tính chất gia đình, bạn bè, làng xóm, tuy nhiên nó cũng kích thích trí tưởng tượng phong phú của người nghe, người đố, gây nên những trận cười sảng khoái trong những lúc an nhàn, thư giãn, sau khi phải “than dữ” vì công việc, nhà cửa, ruộng đồng bộn bề, cấp bách.
Trò chơi chữ nghiã này thực sự là một nghệ thuật ngôn từ, bắt nguồn từ đời sống dân dã nên đối tượng đố ở đây cũng bao gồm tất cả loài vật, sự việc liên quan đến công việc của nhà nông, ánh lên nét cười dí dỏm, hồn hậu mà không thể bỏ qua cái nhìn phồn thực của ông cha, cụ thể động tác bắt cua ở ngoài đồng.
Bốn bề cỏ mọc lao xao
Quỳ gối đâm vào, kêu ối mẹ ơi
Thích quá là thích quá thôi
Nhìn chán rồi quẳng vào nồi nấu canh

Ngoài câu chính thống hay được truyền tụng có cả dị bản khác:
Đầy đồng cỏ mọc xanh rì
Muốn đi tới đó phải quỳ một chân
Thò vào chuyển động xa gần
Rút ra chửi : bố tiên nhân nhà mày


Từ xưa người dân đã quen ăn trầu, phổ biến nhất trong giới chị em, dù là đầu hay cuối câu chuyện thì cách thức cũng giống nhau, mỗi người một miếng, gồm một miếng cau tươi hoặc khô, một phần lá trầu không có quệt vôi kèm theo miếng vỏ. Nhiều trường hợp còn dắt thêm cả vài sợi thuốc lào, vì thế mà có câu đố sau:
Trầu này ăn với cà kheo
Lấy tay chọc… lỗ rồi đèo nắm lông
Trầu này tồng ngổng, tồng ngồng
Ăn vào trai gái phải lòng, tương tư

Mục đích của sự đố chữ này (đố tục giảng thanh hay đố thanh giảng tục) đơn giản chỉ nhằm gây sự ngạc nhiên cho đối phương, từ đó mà bật thành tiếng cười sảng khoái:
Sàn sạt nhờ lá chuối khô
Hai bên nước chảy như hồ Long Vân
Từ quan cho chí đến dân
Ai cũng phải uống… Long Vân chi hồ
(Đôi bầu sữa mẹ)


Hai phương pháp này từ lâu đã trở thành vũ khí chuyên dùng của người dân, đôi khi sa vào sự tục tằn, dân dã nhưng vui vẻ, trẻ trung, ai nghe cũng bị ám ảnh, giật mình.
Ông Long đầu đội mũ huyền
Chăn dê mà lại… bỏ quên dê rồi
Xin đừng bắt chước, trời ơi
Chăn tôi mà lại… bỏ tôi sao đành?
(Chữ lồng bỏ g phía sau)

Súng máy ra đời sau các sản phẩm của nhà nông như cày cuốc, liềm, mai, nhưng do đất nước trải qua binh đao, khói lửa, triền miên trong chiến tranh chống giặc ngoại xâm nên cũng được đưa vào thành đối tượng đố vui của người dân:
Lòng đen miệng bạc
Thương vác lên vai
Đến nơi để xuống
Choạc rộng đôi chân
Tay anh bóp đại
Miệng em la làng

Lược thưa và lược bí vốn hiền lành khiêm nhường, thường được dùng để chải đầu mỗi khi có chấy, dưới con mắt của người đố cũng trở nên táo tợn ầm ĩ như một đám cướp:
Hai người cùng họ, khác tên
Mua về mới kết nhân duyên vợ chồng
Cưới xong được ở trong phòng
Mỗi khi giặc đến đồng lòng xông pha
Chồng đi trước phá cửa nhà
Vợ kia bắt sạch đàn bà trẻ con

Tên gọi của mỗi người qua từng giai đoạn ấu thơ, trưởng thành cũng hiện ra thật bất ngờ, ngộ nghĩnh, rất dễ bị liên tưởng thành một sự tục tằn khác:
Đàn ông ai cũng có
Dài ngắn có khác nhau
Lớn lên đi tìm vợ
Lại hóa thành của chung(!)


Từ lời ăn tiếng nói hàng ngày trở thành câu đố, bao gồm cả đố chữ, đố ý đố hình, đố vật… quả là một nghệ thuật, con đường đi của câu đố tính ra đến nay đã trải qua hàng nghìn năm, cổ xưa nhất như ngọn đèn dầu leo lét trong đêm, trước thời buổi con người làm ra ánh sáng:

Vừa bằng giọt máu
Suốt sáu gian nhà
Thách cả đêm đen
Trừng trừng mắt mở

Nguồn nước ngọt không bao giờ khô cạn của tình yêu tính dục cũng luôn được đưa vào trong câu đố cổ như một  lễ vật tán tụng dồi dào của cuộc sống:
Năm cô đứng bên này sông
Năm anh xổ lồng vào rốn năm cô
Suốt đời để ngỏ tô hô
Khi mở khi thắt, khi vồ lấy nhau
(Khuy và khuyết áo)

Cuộc sống  thiếu tình yêu sẽ trôi đi một cách nặng nề, như cỏ cây thiếu ánh nắng mặt trời, chính vì vậy đề tài tình yêu đôi lứa – vốn luôn được coi là đề tài vĩnh hằng của văn học nghệ thuật cũng thường xuyên xuất hiện trong câu đố cổ:
Cho hay duyên nợ bởi trời
Vợ chồng âu yếm chẳng rời nhau ra
Tên vào tận khúc dân ca
Tuy hai mà cũng chỉ là một thôi
(Đôi  Sam)

Nguồn sức sống  trào dâng không ngừng của loài người thông qua bản năng tính dục thể hiện rõ nét trong câu đố xưa:
Chồng một bên,
Vợ một bên
Đến đêm mới khít
Rin rít kêu rên
(Hai cánh cửa, hoặc cổng)

Sản phẩm của nền văn minh nhân loại khi con người biết sử dụng đồng hồ để tận dụng thời gian trong cuộc sống hàng ngày cũng được đưa vào thành đối tượng để đố, ví dụ:
Trăm năm tạc một chữ đồng
Ngày mười hai khắc trong lòng nào quên
Không sông, không bến, không miền
Đâu vùng nước biếc, gọi tên thành… hồ ?

Một loạt các câu đố về các đồ vật cây quả cũng  như hiện tượng thiên nhiên càng chứng tỏ nghệ thuật chơi chữ đắc địa của người xưa:
Không trồng mà mọc (cỏ)
Không học mà hay (chim hót)
Không vê mà tròn (quả bưởi)
Không bào mà nhẵn (cây chuối)
Không uốn mà ngay (cây cau)
Không vay mà  trả (nộp thuế)
Không vả mà sưng (bầu vú phụ nữ)
Không bưng mà kín (quả trứng)
Không đắp mà cao (Núi)
Không đào mà sâu (biển)
Không chọc mà đui (đêm)
Không sơn mà đỏ (mặt trời)
Không gõ mà kêu (sấm)
Không kều mà rụng (mưa)
Một vài ý nghĩ, suy tưởng không thể nào nói hết cái hay, cái đẹp, sự độc đáo, trí tuệ sắc sảo đã được người xưa đúc kết lại. Rất mong còn có dịp đề cập thêm
Trần Bình Minh

1 nhận xét:

Bấm vào dưới avata "Tham gia trang web này " để có thể biết bài mới của Ròm