Thứ Sáu, 13 tháng 6, 2014

Hình ảnh Logo World Cup qua 84 năm

Bước chuyển mình của logo World Cup qua 84 năm

 

BizLIVE - Trong lịch sử 84 năm, World Cup đã có nhiều thay đổi, logo chính thức của giải đấu cũng không là ngoại lệ. 

Bước chuyển mình của logo World Cup qua 84 năm
Một số logo của World Cup. 

Giải đấu FIFA World Cup vẫn luôn là giải bóng đá được trông đợi nhất hành tinh.
Trong lịch sử 84 năm, World Cup đã có nhiều thay đổi, logo chính thức của giải đấu cũng không là ngoại lệ. 
Thiết kế của một chiếc logo là khá quan trọng, nó bao trùm và truyền tải nhiều thông điệp từ nước chủ nhà tới bạn bè và người hâm mộ trên toàn thế giới.
Hãy cùng điểm lại những bước chuyển mình của logo World Cup kể từ năm 1930 tại Uruguay - giải World Cup đầu tiên cho tới mùa giải năm nay được tổ chức tại Brazil. 
Uruguay (1930)
Đây là mùa giải, cũng là logo đầu tiên của World Cup. 
Thiết kế nghệ thuật khá trừu tượng, tuy nhiên vẫn dễ hiểu - hình ảnh một thủ môn, mặc áo màu cờ của Uruguay, đang tung mình cứu bóng. 
Chỉ có vỏn vẹn 13 đội tranh tài trong kỳ World Cup đầu tiên này. 

Italy (1934)
Tấm poster này minh họa rõ ràng vai trò chủ nhà của Italy. Cầu thủ bóng đá mặc áo có cờ Italy đính trên túi ngực. 
Thậm chí màu tất xanh trắng cũng là màu cờ quốc gia này. 
Để thể hiện đây là giải đấu trên quy mô quốc tế, cờ của các quốc gia tham dự được trải làm phông nền. 
Pháp (1938)
Không chỉ "cả thế giới nằm dưới chân bạn", trong bức poster này, cả quả bóng cũng nằm dưới chân bạn. 
Tư thế của cầu thủ - vừa thể hiện quyền chi phối, vừa biểu tượng cho chiến thắng và vô địch, cũng gần như đang thách đấu các quốc gia khác. 
Màu chủ đạo của bức poster là màu trích từ cờ Pháp với sắc thái chỉnh khác đi một chút. 
Đây là cũng là lần cuối cùng một chiếc poster được sử dụng để làm "logo" cho World Cup. 
Brazil (1950)
Sau hai mùa World Cup bị gián đoạn bởi Thế chiến II, quyền đăng cai được chuyển đến một quốc gia mới - Brazil. 
Đây là năm đầu tiên một chiếc logo đúng nghĩa được trưng dụng để đại diện cho World Cup, mặc dù thiết kế nói chung vẫn hơi giống poster. 
Cũng như logo năm nay, logo năm 1950 tại Brazil cũng có màu từ cờ nước này. 
Thụy Sỹ (1954)
Trường phái nghệ thuật tối giản đang thịnh hành tại Thụy Điển vào năm 1954, ảnh hưởng tới cả logo World Cup. 
Chữ thập trắng ở giữa biểu tượng cho cờ Thụy Điển được đặt trên nền một quả bóng màu đỏ. 
Hình quả địa cầu bao ngoài quả bóng biểu tượng cho tính toàn cầu của giải đấu. 
Dòng chữ bên ngoài có nghĩa là Giải Vô địch Bóng đá Thế giới, được viết bằng tiếng Pháp, Đức và Italy - ba thứ ngôn ngữ được dùng nhiều nhất tại quốc gia này. 
Thụy Điển (1958)
Thụy Điển lại trưng dụng phong cách poster với một số điển nhấn ngẫu hứng trong logo World Cup 1958. 
Chữ cái VM làm phông nền viết tắt cho từ tiếng Thụy Điển - Världsmästerskapet, có nghĩa là Vô Địch.
Thêm hình quả bóng và cầu thủ là ra logo đơn giản của sự kiện năm đó. 
Chile (1962)
Nằm giữa logo là một chiếc sân vận động. Chile đặt cờ quốc gia giữa sân cỏ để nhấn mạnh World Cup diễn ra trên lãnh thổ của mình. 
Bao quanh sân vận động là một vòng tròn nửa bóng đá (trên) và nửa quả địa cầu (dưới). 
Giải đấu bị gián đoạn nhẹ bởi một trận động đất mạnh 9,5 độ richter, Chile đã phải triển khai một đợt tái xây dựng đối với những cơ sở hạ tầng bị ảnh hưởng.
Anh (1966)
Ai nhìn vào logo cũng biết được nước chủ nhà của World Cup 1966. 
Lấy phông nền là cờ Anh Quốc, thiết kế có một chút lịch sử trong đó - chiếc cúp là mẫu thiết kế được sử dụng thời đó trước khi mẫu cúp mới được ra mắt năm 1974 và được sử dụng tới hiện nay. 
Thêm vào đó, logo cũng ghi tên của chiếc cúp - Jules Rimet Cup.
Quả bóng và bản đồ thế giới được thiết kế lồng ghép chung vào một hình cầu. 
Mexico (1970)
Mexico đã làm cả thế giới sửng sốt với một logo rất đỗi giản đơn và truyền thống. 
Chỉ sử dụng một màu xanh và nền trắng tạo các mảng đối lập, gộp thành hình trái bóng, thiết kế logo này là bước tiền đề cho nhiều logo đơn giản sau này. 
Điều duy nhất cung cấp thông tin cho người đọc là dòng chữ ghi tên quốc gia và năm tổ chức bên dưới. 
Đây cũng là năm Brazil giành ngôi vô địch lần thứ ba, vĩnh viễn mang về chiếc cúp Jules Rimet Cup.
Đức (1974)

Đức, chính xác hơn là Tây Đức, tiếp nối thiết kế logo đơn giản từ Mexico mùa giải trước.
Mới nhìn qua, ít người biết Đức là nước chủ nhà. Câu trả lời nằm trong chữ cái WM - viết tắt của từ tiếng Đức "Weltmeisterschaft", có nghĩa là World Cup. 
Đây cũng là năm đầu tiên thiết kế cúp mới được đưa vào sử dụng đến tận bây giờ. 
Argentina (1978)
Mẫu logo này có hai phiên bản. Phiên bản kia có hình cờ của các quốc gia bao quanh. 
Phiên bản này đơn giản hơn, các đường màu xanh bao quanh trái bóng là các sọc xanh trong cờ Argentina. 
Tây Ban Nha (1982)
Tây Ban Nha cũng dùng cờ tạo thành logo, nhưng dùng nhiều cờ các nước khác thay vì chỉ mỗi cờ nước mình. 
Cờ Tây Ban Nha được đặt chính giữa logo cùng trái bóng, bao quanh bằng cờ các quốc gia tham dự. 
Đây là năm đầu tiên giải đấu thu hút hơn 2 triệu người theo dõi. 
1984 cũng là năm đầu tiên 24 đội tranh tài tại World Cup, trước đó, giải đấu có nhiều nhất là 16 đội tham dự. 

Mexico (1986)
Mexico lại một lần nữa đăng cai World Cup. Trong logo lần hai này, hơi hướng tối giản vẫn là chủ đạo. 
Một trái bóng được đặt giữa hai nửa địa cầu, phù hợp với khẩu hiệu của năm đó: "Trái bóng kết nối Thế giới". 
Màu cờ quốc gia đỏ, trắng và xanh cấu thành logo. 
Italy (1990)
Lần cuối Italy đăng cai sự kiện là 50 năm về trước. 
Không chỉ giải đấu đã chuyển mình qua nửa thế kỷ, logo cũng đánh dấu bước đột phá. 
Nó được thiết kế đơn giản, tối giản, dùng chỉ ba màu: Đỏ, xanh từ cờ Italy và màu đen. 
Đây là năm thứ ba Đức đoạt cúp vô địch, sau Brazil và Italy. 
Mỹ (1994)
Tổ chức tại Mỹ, logo thể hiện rõ màu cờ của nước chủ nhà với các sọc xanh, đỏ. 
Sọc xanh cũng biểu tượng cho hướng bay của quả bóng từ dưới lên trên. 
Từ 1930 tới năm này, đây là mùa World Cup thu hút đông đảo người xem nhất với gần 3,6 triệu khán giả. 
Pháp (1998)
Logo World Cup 1998 của Pháp đã nhận được nhiều lời khen ngợi.
Mặc dù thiết kế rất đơn giản, nó vẫn truyền tải được thông điệp, nhưng cũng rất sáng tạo.
Trong logo, quả bóng như đang bay vọt lên chân trời của thế giới, có cảm giác như trái bóng chính là mặt trời. 
Màu dùng trong logo là màu cờ Pháp. 
Đây là lần thứ hai Pháp đăng cai tổ chức giải đấu, và là năm đầu tiên nước này rinh về cúp vàng.
Hàn Quốc/Nhật Bản (2002)
Chúng ta bước vào một thiên niên kỷ mới và logo World Cup cũng có bước chuyển mình mạnh mẽ.
Được thiết kế bởi công ty Interbrand có trụ sở tại London, logo là hình chiếc cúp, thể hiện sự hòa hợp giữa hai nước chủ nhà: Nhật Bản và hàn Quốc. 
Hai số 0 trong năm được thiết kế thành một biểu tượng thể hiện tình đoàn kết giữa hai nước và các bên liên quan. 
Đức (2006)
So với logo năm 1974, phiên bản này rực rỡ và vui vẻ hơn. 
Nó có tên "Gương mặt ăn mừng bóng đá" và được thiết kế nhằm chộp lại cảm xúc và sự thăng hoa của người hâm mộ. 
Hai gương mặt đặt cạnh nhau tạo thành số 0 và 6 trong số năm. 
Màu cờ Đức được trưng dụng một cách khá tinh tế, không lộ liễu.
Nam Phi (2010)
Logo rất sặc sỡ! Được thiết kế bởi công ty Switch Design - khắc họa bóng một cầu thủ chuẩn bị đá ngược quả bóng. 
Màu đỏ, vàng, lục, lam trên phông nền biểu trưng cho các lục địa châu Phi và cờ Nam Phi. 
Chiếc cúp được thiết kế thành một logo nhỏ đơn giản hơn nằm bên cạnh phía trên. 
Đây là năm đầu tiên World Cup được tổ chức tại lục địa châu Phi, Tây Ban Nha đoạt cúp vô địch. 
Brazil (2014)
Logo của năm nay đã được tiết lộ trong kỳ World Cup 2010 tại Nam Phi. 
Nó được tuyển chọn trong 125 thiết kế từ 25 công ty của Brazil. 
Có tên "Cảm hứng", logo được thiết kế bởi công ty thiết kế châu Phi.
Ý nghĩa của logo khá đơn giản. Nó cấu thành hình chiếc cúp với những bàn tay nâng niu trong chiến thắng.
Màu lục và vàng biểu tượng cho những bãi biển vàng và thời tiết miền nhiệt đới của Brazil, cũng là hai màu trong cờ nước này. 
Thiết kế cũng nhắc lại 5 chức vô địch trước đó của đội Brazil. 
Tham khảo từ Wikipedia/Sportslogos.net

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bấm vào dưới avata "Tham gia trang web này " để có thể biết bài mới của Ròm