Thứ Bảy, 8 tháng 12, 2012

Ði ăn đêm ở Sài Gòn

Văn Lang/Người Việt
Sài Gòn có hai khu được “quy hoạch” thành khu phố “ẩm thực đêm” theo mô hình đã được thử nghiệm ở Hà Nội, đó là khu ẩm thực của người Hoa ở Chợ Lớn và khu Bến Thành ở trung tâm Sài Gòn.

Khu ăn đêm tại chợ Bến Thành, Quận 1. (Hình: Văn Lang/Người Việt)
Ðến khu ẩm thực của người Hoa trong Chợ Lớn, nằm trên một con đường nhỏ giao với đường Trần Hưng Ðạo B (tức đường Ðồng Khánh cũ), thì chỉ còn thấy có một dãy bán... cơm bình dân.
Ghé một quán cơm, cô chủ quán người Hoa cho biết, lúc mới mở thì khu này cũng đông khách lắm, nhưng do “chém” quá khách lần lần bỏ đi hết. Các quán ngon cũng lần lượt dẹp tiệm, cuối cùng khu “ẩm thực Trung Hoa” biến thành khu bán cơm bình dân.

Dĩa cơm bình dân nấu dẻo, ngon, một chén thịt gà kho gừng, thêm chén canh bí nấu rất thơm ngon mà giá chỉ có... 15 ngàn đồng. Với giá cơm bình dân mà nấu ngon như vậy thì danh tiếng ẩm thực Trung Hoa thuộc loại “danh bất hư truyền,” vì đã đi đó đi đây nhiều nhưng chưa bao giờ chúng tôi được ăn một bữa cơm bình dân ngon miệng như vậy. Còn chuyện khu ẩm thực của người Hoa “tan hàng” có lẽ không chỉ do giá cả “chặt,” “chém” khách mà có lẽ còn do nhiều nguyên nhân nữa.
Khu ẩm thực đêm ở chợ Bến Thành mấy năm trước khá sầm uất, nay cũng đang trong tình trạng “tăng lều lều,” tức là “tiêu lần lần” tuy chưa tới mức “tiêu tán đường” như khu ẩm thực Trung Hoa, nhưng quy mô đã thu nhỏ lại rất nhiều.
Nếu như trước kia hai bên hông chợ Bến Thành là cửa Ðông và cửa Tây san sát những hàng quán bán các món ăn Việt cho du khách thì nay quán ăn chỉ còn chiếm từ 1 tới 2/10, phần còn lại là san sát những quầy hàng bán đồ lưu niệm cho du khách.
Nguyên nhân “thu hẹp” lại khu ẩm thực chợ đêm Bến Thành có nhiều nguyên nhân. Với khách có tiền thì họ tới những quán xá, nhà hàng sang trọng để được phục vụ tốt và thong thả thưởng thức các món ăn Việt. Còn với khách “bụi” hay Tây “ba-lô” thì họ chỉ cần quá bộ mấy bước chân qua khu Phạm Ngũ Lão là được thưởng thức đầy đủ các món ăn Tây, Ta nấu rất có “gu” cung cách phục vụ tốt, rượu bia đầy đủ, giá cả cũng rất mềm, các “bóng hồng” tiếng Anh lưu loát, không bị gò bó về thời gian...
Một khu kinh doanh tồn tại hay phát triển được đều phụ thuộc vô tâm lý của khách hàng, chứ hoàn toàn không phụ thuộc sự “duy ý chí” của cơ quan chủ quản hay người chủ kinh doanh.
Sáng đèn thâu đêm
Thưởng thức các món ăn Trung Hoa, nếu có điều kiện thì đến Ðồng Khánh, Bát Ðạt, Ngọc Lan Ðình, Arc En Ciel (Thiên Hồng)... Nếu không thì ra dãy quán nửa trong nhà, nửa vỉa hè dọc theo cuối con đường Nguyễn Tri Phương bao vòng quanh ra khu Ðại Thế Giới (cũ), nay là khu nhà văn hóa quận 5. Nghêu, sò, ốc hến, tôm cua, trân châu, bát bửu... món Ta, món Tàu gì có đủ cả.
Nếu du khách muốn ăn món cháo khuya mà lại là cháo trắng thì nên tới khu Lý Chính Thắng (Yên Ðỗ cũ), hay khu ngã tư Hàng Xanh, cháo nấu với lá dứa tỏa mùi thơm dịu, đêm se lạnh, tô cháo nóng ăn kèm với hột vịt muối, cá cơm, cá bống kho tiêu, chà bông hay các loại dưa mắm... vừa ấm lòng, vừa mang lại cảm giác lâng lâng rất dễ chịu.

Một tiệm ăn khuya trên đường Nguyễn Tri Phương, Quận 10. (Hình: Văn Lang/Người Việt)
Sài Gòn có một khu ăn đêm rất nổi tiếng, nhưng tên gọi của nó lại không thấy “bảng hổ, danh đề” theo tên đường mà chỉ “truyền miệng” là khu “Cấm Chỉ” nằm trên đường Hải Triều kế bên khu Hàm Nghi. Khu này chuyên bán các món ăn của người Bắc (do vậy mới gọi là khu Cấm Chỉ theo một địa danh ăn uống ở Hà Nội).
Nếu bạn là dân chơi “thứ thiệt” ở Sài Gòn, có lẽ cũng phải “vò đầu, bứt tai” khi mà nửa đêm về sáng, lúc 1-2 giờ “người đẹp” nổi hứng bất tử đòi đi ăn... nui. Ðêm hôm kiếm đâu ra hỡi trời? Ðừng lo, cứ đưa nàng tới thẳng quán ABC nằm trên đường Nguyễn Ðình Chiểu (Phan Ðình Phùng cũ), bảo đảm món gì cũng có, quán bán tới... 4 giờ sáng.
Còn nữa, hai bên bờ kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè nhiều quán nhậu “ăn theo” những trận đá banh truyền hình trực tiếp đủ các loại giải thế giới, bán gần như sáng đêm. Nổi tiếng hơn cả trong đám “quần hùng” của khu “ăn chơi không sợ mưa rơi” này có “máu mặt” hơn cả phải kể tới quán Mười Trí ngay chân Cầu Kiệu.
Ðặc điểm của khu nhậu “bờ kênh” này không chỉ có ăn nhậu, coi đá banh, cá độ mà ta còn có thể gặp những tay “ghi-ta giang hồ” đến ca diễn trong quán, đến từng bàn với các anh em, tình thương mến thương, “boa” nhau chút tiền tùy tâm, hay chỉ là ly bia “tùy hỉ,” để cùng nhau tay đờn tay khua ly hát lên câu ca: “Sống trên đời này người giàu sang cũng như người nghèo khó...” Lặng lẽ hơn trong cảnh ăn nhậu ồn ào là những người bán trái cây đi từng bàn mời người ta mua trái bưởi, trái sầu riêng...
Ðêm Sài Gòn xa hoa và xót xa
Ngành du lịch ở Sài Gòn vẫn thường tự “ca thán” là du khách tới Sài Gòn thì 9 giờ tối đã đi... ngủ sớm, lý do là không biết đi đâu vì Sài Gòn thiếu những dịch vụ ăn chơi, mua sắm, giải trí. Sự thật “thấy vậy mà không phải vậy!”
Cờ bạc, mãi dâm tại Sài Gòn không công khai xuất hiện vì bị cấm, nhưng dịch vụ “ngầm” thì lúc nào cũng có. Năm nào báo chí Sài Gòn cũng đưa tin đã bắt được những đường dây “gái gọi” cao cấp, trong đó có không ít người mẫu, diễn viên đi bán dâm. Còn Việt kiều về nước thì không ít người đã phải “trắng tay” cho những sòng bạc “bịp” ở Sài Gòn.
Sài Gòn-Chợ Lớn vẫn không thiếu những tiệc đêm thác loạn, kiểu “nhất dạ đế vương” cho những kẻ lắm tiền, thừa thế lực...

Quán bar “Trâu Ðiên” tại khu Tây ba lô trên đường Phạm Ngũ Lão. (Hình: Văn Lang/Người Việt)
Sâu trong đêm của Sài Gòn là hình ảnh của người phu quét đường cặm cụi làm việc, cuộc đời không dám nhìn lên vậy mà có khi vẫn bị bọn “quái xế” đua xe đêm tông phải, hay đôi khi bị bọn côn đồ trấn lột, hành hung.
Sâu trong đêm, trong những con hẻm vắng hun hút là tiếng gõ “lóc cóc” nghe bấp bênh, thấp thỏm của những em nhỏ quê ngoài Trung đi bán hủ tiếu gõ thuê với nguy cơ bị hiếp dâm cao, có em gái 13-14 tuổi đã mất mạng trong những đêm mưu sinh nhọc nhằn như vậy.
Ðêm Sài Gòn ngoài những quầng sáng xa hoa là những phận đời đầy xót xa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bấm vào dưới avata "Tham gia trang web này " để có thể biết bài mới của Ròm